Ứng dụng công nghệ bọt khí micro nano trong nuôi tôm được đánh giá cho hiệu quả cao, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan, ổn định môi trường nước. Theo đó, có thể giúp nghề nuôi tôm của Việt Nam chuyển hướng tích cực trong thời gian tới.
Ưu điểm
Công nghệ Micro bubles lần đầu tiên được nghiên cứu thử nghiệm trong nuôi trồng thủy sản tại Nhật Bản, tại các mô hình nuôi hàu, điệp quạt. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của các đối tượng nuôi được cải thiện do đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan luôn ở mức tối ưu trong suốt quá trình nuôi.
Trong nuôi tôm, để tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan, người nuôi thường sử dụng thiết bị sục khí. Các thiết bị này có khả năng tạo các bọt khí có kích thước từ vài mm đến cm. Các bọt khí trao đổi ôxy với nước trong quá trình di chuyển từ phía dưới lên trên bề mặt, rồi vỡ ra khi tiếp xúc với không khí. Kích thước bọt khí càng lớn tốc độ di chuyển càng nhanh, do đó hiệu suất làm giàu ôxy hòa tan trong nước thấp. Công nghệ tạo bọt khí cỡ micro hoặc nano khắc phục được những điểm yếu này do tạo ra bọt khí có kích thước siêu nhỏ, cỡ vài trăm nm đến 40 micromet. Bọt khí cỡ micro có tốc độ di chuyển rất chậm trong môi trường nước làm gia tăng hiệu suất làm giàu ôxy trong môi trường nước. Ngoài ra, vì kích thước càng nhỏ thì áp suất bên trong càng cao, giúp ôxy có trong bọt khí sẽ dễ hòa tan vào trong môi trường nước hơn.
Các bọt khí có kích thước micro sẽ di chuyển lên phía trên, gia tăng về kích thước (do áp suất giảm dần). Hiệu suất làm giàu ôxy cao và sự hiện diện của các bọt khí nano chìm giúp cho hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi ứng dụng công nghệ mới này luôn ở mức cao hơn cả mức bão hòa trong điều kiện bình thường. Cùng đó, áp suất riêng phần của ôxy trong nước lớn sẽ đẩy bớt các loại khí khác vào không khí, trong đó có CO2, nhờ vậy hạn chế sự phát triển của tảo, ổn định môi trường nước.Cùng đó, bọt khí cỡ nano có thể giúp tách các chất ô nhiễm ra khỏi môi trường nước, đặc biệt là chất béo và được cho là ảnh hưởng rất nhiều đến độ pH của nước. Theo một số nghiên cứu khi các bọt khí cỡ micro hoặc nano khi bị teo nhỏ lại rồi vỡ ra sẽ phóng thích nhiều gốc tự do, có khả năng diệt khuẩn, khử mùi hôi.
Ứng dụng trong nuôi tôm tại Việt Nam
Ở Việt Nam, nghiên cứu ứng dụng công nghệ micro nano trong nuôi tôm được ông Trần Bá Cương, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ HTC bắt đầu thực hiện năm 2014. Đến nay, ông đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị tạo bọt khí cỡ nhỏ và siêu nhỏ bằng nhựa gọi là Micro Nano Oxygen và đã được ứng dụng, nuôi thử nghiệm tại nhiều cơ sở ở một số vùng nuôi. Theo đó, thu được các kết quả ban đầu rất khả quan.
Ao nuôi tôm 5.000 m2 sử dụng 3 máy tạo Micro Nano Oxygen tại Bình Đại, Bến Tre cho kết quả tốt. Hàm lượng ôxy hòa tan tối thiểu vào buổi sáng sớm ở mức trên 6 mg/l so với mức yêu cầu 4 mg/l. Việc luôn đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan giúp tôm không bị stress, khỏe mạnh và có tốc độ tăng trưởng tốt. Cùng đó, khi ứng sử dụng thiết bị Micro Nano Oxygen, 15 ngày đầu của vụ nuôi, pH ổn định trong khoảng 7,4 – 7,8, màu nước ao khá bền trong suốt vụ nuôi. Đồng thời, các chất cặn bẩn được đẩy lên trên bề mặt ao nuôi giúp dễ dàng loại bỏ, tăng độ trong của nước. Cùng đó, tảo khuê phát triển tốt, làm nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Hệ số chuyển hóa thức ăn sẽ thấp (có thể đạt khoảng 0,9).
Hiện, Công ty HTC Nanotech đã sản xuất được 2 loại máy với công suất khác nhau, phù hợp với từng điều kiện sản xuất. Máy Micronano Bubble MNO-1 có công suất 70 m3/giờ, 3 – 4 hp, 380 volt – 220 volt, có độ hòa tan ôxy tinh chất là 600 lít/giờ. Và máy MNO-2 có công suất bơm là 36 m3/giờ, 2 hp, 220 volt, độ hòa tan ôxy tinh chất là 300 lít/giờ.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 15/08/2016 ,