Trong ao nuôi tôm có quá nhiều sứa nước ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi, có khi gây ngộ độc và làm cho tôm chết hàng loạt.
Hạn chế sứa trong ao tôm
Hạn chế sứa nước trong ao nuôi tôm bằng cách cải tạo ao và diệt tạp thật tốt. Tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa. Loại bỏ các địch hại trong ao. Bón vôi bột nông nghiệp; sau đó bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết trứng, ấu trùng sứa còn sót lại. Lấy nước vào ao chứa qua túi lọc bằng vải dày, may 2 lớp. Để nước ổn định 3 – 7 ngày. Sau đó, chạy quạt nước liên tục 2 – 3 ngày để kích thích trứng sứa cũng như tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng. Xử lý nước cấp trong ao chứa vào buổi sáng (8 giờ) hoặc buổi chiều (16 giờ) bằng Chlorine nồng độ 20 – 30 ppm (20 – 30 kg/1.000 m3 nước). Ngoài ra có thể sử dụng một số hóa chất diệt tạp được phép lưu hành tại Việt Nam như thuốc tím (KMnO4), BKC…
Phương pháp diệt sứa
Năm 2014, người nuôi tôm Bạc Liêu đã tìm ra phương pháp diệt sứa bằng lưới chắn trước quạt nước. Sáng kiến này đã được Sở NN&PTNT Bạc Liêu công nhận và đang được một số trại nuôi áp dụng, cho hiệu quả cao. Phương pháp thực hiện như sau:
Dùng lưới chỉ, sợi lớn bằng nilon ít thấm nước và có độ chắc cao, bền, tránh ôxy hóa. Chọn lưới sợi 3,6 ly, kích thước mắt lưới 2,5 cm. Chiều dài lưới bằng chiều dài dàn quạt nước. Chiều cao của lưới lớn hơn độ sâu của nước 10 – 15 cm. Dùng cây tre hoặc cây tầm vông nẹp hai đầu, ở giữa cắm cọc, khoảng cách giữa các cọc 1,2 – 1,5 m, căng thẳng trước mỗi dàn quạt nước trong ao nuôi, cắm bằng hoặc cao hơn mép nước khoảng 10 cm. Khoảng cách cắm lưới với dàn quạt khoảng 1,5 m. Khi quạt nước hoạt động tạo nên dòng chảy, sứa và trứng sứa bị cuốn trôi theo dòng chảy, va đập vào lưới được căng trước dàn quạt. Sứa và trứng sứa khi va đập sẽ bị vỡ, một số dính vào lưới. Định kỳ 7 – 10 ngày dùng bàn chải vệ sinh lưới để loại bỏ xác sứa cũng như một số chất bẩn bám vào lưới.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 13/07/2015 ,