Thời tiết có xu hướng nắng nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng không ít đến sự sinh trưởng của tôm nuôi. Người nuôi tôm cần hiểu rõ các ảnh hưởng này và nắm được các giải pháp phòng chống thích hợp.
1. Ảnh hưởng của nắng nóng
So với các loài thủy sản khác, tôm là loài động vật biến nhiệt, tiến hóa thấp, sức đề kháng kém, rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là nhiệt độ.
Khi nhiệt độ trên 320C thì tôm sẽ ngừng ăn, trốn xuống tầng đáy, nằm yên và vùi mình trong lớp bùn đáy nên nguy cơ nhiễm khí độc, vi khuẩn gây bệnh và thiếu ôxy dưới tầng đáy là rất cao. Ở điều kiện nhiệt độ cao, quá trình hô hấp của tôm tăng lên cùng với sự gia tăng của các phản ứng sinh hóa trong nước làm tiêu hao nhiều ôxy nên dễ dẫn đến tôm bị thiếu dưỡng khí vào ban đêm. Khi trời nắng nhiệt độ nước tăng cao thì hàm lượng ôxy hòa tan từ không khí vào nước giảm, quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ tăng lên vừa tiêu tốn ôxy hòa tan vừa sinh ra nhiều loại khí gây độc cho tôm như H2S, NO2, CO2, NH3…
Vào mùa nắng nóng, tảo trong ao sẽ phát triển mạnh, đặc biệt là tảo lam (cyanophyta), tảo giáp (dinophyta). Ngoài vấn đề tiết ra độc tố cyanotoxin gây hại cho tôm thì khi tảo phát triển đến một giai đoạn nhất định (7 – 10 ngày) sẽ xảy ra hiện tượng tảo tàn, gây thiếu ôxy trong nước, biến động pH và tích tụ khí độc (thối nước) gây chết tôm hàng loạt.
2. Các bệnh thường gặp
Thời tiết nắng nóng sẽ gây ra các loại bệnh trên tôm như bệnh hoại tử gan tụy (EMS), bệnh đục cơ, bệnh phân trắng.
a. Bệnh EMS
Khi thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo những cơn mưa giông đột ngột làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi, quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ tăng sinh ra nhiều chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh EMS trên tôm nuôi làm chết tôm hàng loạt. Nguyên nhân, do nhiệt độ cao và biến đổi phù hợp cho vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus phát triển, vi khuẩn này bị tấn công bởi một loại virus (phage) tạo ra một loại độc tố cực mạnh, khi chúng xâm nhập vào cơ thể tôm (qua đường tiêu hóa), độc tố này sẽ thẩm thấu, phá hủy các mô tế bào, gây rối loạn chức năng tiêu hóa và gan tụy tôm, gây ra hiện tượng chết hàng loạt, nhất là sau khi lột xác.
b. Bệnh cong thân đục cơ
Khi nhiệt độ nước cao, tôm bị sốc nhiệt hoặc do pH dao động trong ngày lớn hơn 0,5. Do thức ăn thiếu một số loại khoáng chất và vitamin cần thiết. Mặt khác, khi trời nắng nóng, nếu bật, tắt quạt khí đột ngột hoặc kiểm tra tôm bằng nhá, vó nhiều cũng gây ra hiện tượng đục cơ trên tôm.
c. Bệnh phân trắng
Tôm nhiễm các loại virus gây tổn thương cho gan như: MBV, HPV… đây là nguyên nhân xuất hiện với tỷ lệ cao nhất.
Khi nhiệt độ nước tăng cao, ao nuôi với mật độ cao ít thay nước sẽ làm nước ao giàu dinh dưỡng. Ao sẽ xuất hiện nhiều loại tảo như tảo lam, tảo đỏ có roi, tảo giáp sinh ra độc tố. Khi tôm ăn phải tảo độc, các chất độc sẽ phá vỡ tế bào thành ruột của tôm và có thể ảnh hưởng đến khối gan tụy.
3. Giải pháp khắc phục
Việc chuẩn bị ao nuôi phải được thực hiện theo đúng quy trình: tẩy dọn, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy, gia cố bờ ao… Chỉ cấp nước đã được xử lý qua ao lắng, duy trì mực 1,2 – 1,5 m. Khi lựa chọn con giống khỏe mạnh, rõ nguồn gốc và được kiểm dịch, mật độ thả tôm nên vừa phải phù hợp với điều kiện chăm sóc, tôm sú (15 – 20 con/m2), tôm TCTT (60 – 80 con/m2).
Lắp đặt đầy đủ và duy trì chạy quạt nước tránh sự phân tầng nhiệt độ và cung cấp đủ ôxy dưới tầng đáy ao. Khi mắc sục khí phải đảm bảo vận hành sẽ tạo dòng chảy quy tụ được chất thải vào giữa ao. Bổ sung khoáng vi lượng và các vitamin cần thiết cho tôm và duy trì mực nước 1,3 – 1,5 m. Có thể áp dụng ương tôm trong nhà bạt để khống chế nhiệt độ nước và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, sau một tháng ương chuyển tôm ra ngoài ao.
Lắp đặt các loại màn, lưới chống nóng phía trên ao để hạn chế tăng nhiệt độ nước ao. Không nên gây sốc cho tôm bằng các biện pháp như chài, mò, thăm vó… Thường xuyên kiểm tra màu sắc, sức ăn của tôm để cho ăn đủ, tránh dư thừa. Định kỳ xiphông đáy ao để loại bỏ mùn bã hữu cơ lắng đọng, dùng chế phẩm vi sinh để phân hủy hàm lượng chất hữu cơ, ổn định tảo và màu nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường sức khỏe của tôm bằng các loại thức ăn có bổ sung Vitamin C, khoáng chất, thuốc bổ gan (theo chỉ dẫn trên bao bì). Khi tôm đạt trên một tháng tuổi nên giảm cho ăn vào ban đêm và tăng cường chạy quạt khí. Định kỳ lấy mẫu kiểm tra xác định mức độ cảm nhiễm vi khuẩn Vibrio sp ở nước nuôi và bùn đáy ao để có biện pháp xử lý.
Khi tảo phát triển mạnh (màu nước xanh đậm đặc) có thể dùng BKC, Chlorine để diệt tảo với liều lượng 5 – 6 ppm. Lưu ý, trong thời gian diệt tảo nên giảm 30 – 50% lượng thức ăn của tôm, đồng thời tăng cường quạt khí để hóa chất bay hơi, sau đó bón chế phẩm vi sinh để phục hồi hệ vi khuẩn trong ao. Đối với những ao nuôi có nguồn nước sạch, độ mặn ổn định (12 – 15‰) thì có thể thay nước ao 20 – 30% để giảm mật độ tảo và ngăn sự phát triển của chúng trong ao. Duy trì ổn định pH trong giới hạn cho phép (7,5 – 8,2) bằng vôi (CaO) và mật rỉ đường.
Khi phát hiện tôm chết, cần giảm 50% lượng thức ăn hoặc ngừng cho ăn ngay lập tức vì tôm bị bệnh sẽ ăn ít hoặc không ăn. Sau đó, nhờ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và xử lý kịp thời, tránh lây lan bệnh trong vùng nuôi. Có thể tăng pH lên 7,9 – 8 vào buổi sáng sớm trước khi mặt trời lên bằng cách bón vôi nhằm làm chậm quá trình lột xác tôm, giảm tỷ lệ chết. Tiếp đó, bổ sung thêm khoáng chất, vitamin, vi sinh đường ruột, thuốc bổ gan vào thức ăn cho tôm, liều lượng như hướng dẫn trên bao bì để giúp tôm phục hồi và khỏe lại nhanh chóng. Duy trì sục khí liên tục và có thể cấp thêm nước sạch nếu thấy cần thiết.
Theo Thông tin KH&CN Hải Phòng, 02/04/2015 ,
Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?