Để có được bể cá cảnh đẹp, ngoài sự đam mê, người chơi cá cần phải có những kiến thức nhất định khi thiết lập và chăm sóc bể cá của mình.
Chuẩn bị bể nuôi
– Bể nuôi cá có thể to, nhỏ, dài, ngắn tùy vào không gian ngôi nhà và loại cá nuôi có hình dạng khác nhau…
– Bể cá có thể là bể đúc sẵn hoặc đặt các cửa hàng làm theo thiết kế, ý muốn của người chơi cá cảnh.
– Tùy thuộc vào đối tượng nuôi là cá cảnh nước ngọt, nước mặn hoặc cây thủy sinh mà có cách lựa chọn bể khác nhau.
Chọn cá
Người nuôi nên chọn loài cá thích hợp cho bể cá của mình – Ảnh: Ngọc Hà
Các loài cá cảnh rất đa dạng về màu sắc, chủng loại và theo đó giá trị của các loại cá nuôi khác nhau như: cá rồng, cá vàng, cá chép Nhật… Tuy nhiên, khi nuôi cá cảnh người nuôi cần chú ý:
– Phải hiểu tập tính, đặc điểm của các loài cá muốn nuôi, có loài cá dễ nuôi như cá vàng nhưng lại có những loài rất đắt tiền và khó nuôi như cá rồng.
– Tránh thả nuôi các loại cá có tính đối kháng với nhau, một số bể nuôi có trồng cây thủy sinh không chọn các loài cá ăn thực vật vì như thế sẽ làm hỏng cảnh quan của bể cá.
– Có những loài cá chỉ nuôi một con, có những loài nuôi theo đôi, có loài cá cảnh phải nuôi theo bầy, đàn đến hàng chục con.
Bên cạnh việc chọn cá thì cần phải chuẩn bị những loại vật liệu không thể thiếu như: cát, đá, sỏi, lũa, cây thủy sinh, phân… để có thể setup bể cá.
Thiết lập bể
Trước khi thả cá thì cần phải chuẩn bị nước bể và cảnh quan trong bể:
– Sau khi thiết lập cảnh quan trong bể như trồng cây thủy sinh, đặt lũa, đá…, kiểm tra thấy chắc chắn thì cấp nước vào. Việc thiết lập cảnh quan trong bể phụ thuộc nhiều vào loại cá nuôi.
– Nếu sử dụng nước máy nên để nước bay hết Chlorine, nếu cấp trực tiếp vào bể cần sục khí ít nhất 1 ngày trước khi thả cá hoặc xử lý nước nếu nước bị nhiễm kim loại nặng, chất độc.
– Nước cho chảy nhẹ, chảy từ từ bám theo thành bể, tránh xối mạnh làm đục nước hoặc ảnh hưởng đến cây mới trồng, đá, lũa…
– pH thích hợp để nuôi cá cảnh nước ngọt từ 6,5 – 8, đối với cá cảnh biển 8,1 – 8,3.
Tùy thuộc vào từng loài cá mà lắp hệ thống lọc nước khác nhau cho bể, với nuôi cá cảnh biển thì cần phải có máy làm mát nước đảm bảo nước mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Nếu chơi bể cảnh thủy sinh thì phải trang bị thêm bình CO2…
Chăm sóc
Cá cảnh có thể là đánh bắt tự nhiên hoặc mua tại các nơi cung cấp. Trước khi thả cá cần nhúng nguyên túi nylon chứa cá vào bể khoảng 20 phút cho cân bằng nhiệt độ, sau đó tắm cho cá bằng nước muối 2%, hoặc thuốc tím.
Ngày đầu tiên không cần cho cá ăn, những ngày tiếp theo cho cá ăn với lượng vừa phải. Không cho cá ăn quá nhiều (cá nhanh béo), hoặc quá ít cá bị đói sẽ tấn công lẫn nhau làm ảnh hưởng đến cá hoặc ăn cây thủy sinh ảnh hưởng đến vẻ đẹp của bể cá.
Có nhiều loại thức ăn cho cá như thức ăn tổng hợp (đóng gói), hoặc động vật sống như sâu, rết, hoặc thịt gà, thịt bò… tùy thuộc vào từng loài cá. Thức ăn sống dễ gây ô nhiễm nước gây bệnh cho cá nên cần chú ý khi sử dụng loại thức ăn này cần vớt hết thức ăn thừa ra khỏi bể.
Đảm bảo máy bơm và hệ thống ôxy hoạt động tốt để đảm bảo lượng nước tuần hoàn và cung cấp đầy đủ ôxy cho cá. Khi thời tiết chuyển lạnh, dùng hệ thống nâng nhiệt để đảm bảo nhiệt độ nước thích hợp cho cá.
Phòng bệnh: Cách phòng bệnh cho cá cảnh tốt nhất là vệ sinh giữ cho bể cá, nước luôn sạch: xiphon, thay nước, rửa bông lọc hàng ngày. Kiểm tra định kỳ và vệ sinh hệ thống lọc nước. Theo dõi các biểu hiện của cá qua cách bơi lội, ăn mồi… để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Hiện nay, người chơi cá cảnh không chỉ quan tâm đến vẻ đẹp, giá trị của cá cảnh mà còn lựa chọn những loài cá, cách bố trí bể cá hợp với phong thủy của gia chủ người chơi. Những loại cá cảnh được ưa thích như cá rồng, cá chép Nhật (cá Koi), tép cảnh…
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 09/01/2013 ,