Cá chiên là đối tượng thủy đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, được nuôi theo hình thức trong ao nước chảy và lồng trên sông. Việc nghiên cứu các hình thức nuôi này giúp người dân có những hiểu biết và kinh nghiệm sản xuất, tạo hiệu quả nuôi trồng cao.
1. Sự cần thiết
Cá chiên (Bagarius rutilus – Ng và Kottelat, 2000) là loài bản địa quý hiếm, cá sống trong môi trường nước chảy, phân bố từ Ấn Độ qua Myanmar, Thái Lan, Bắc Việt Nam, Indonesia. Ở nước ta, cá thường xuất hiện trong các sông suối ở vùng trung và thượng lưu sông Lô, Gâm, sông Hồng, sông Đà, cá có kích thước lớn, thịt ngon và được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay nguồn lợi cá chiên bị khai thác quá mức và có nguy cơ tuyệt chủng, theo Sách Đỏ Việt Nam xếp cá chiên ở mức nguy cấp bậc 2 (Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, 2000). Nhiều người dân khu vực Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái đã nuôi cá trong lồng bởi nghề sông nước lâu đời đã giúp họ có nhiều kinh nghiệm chăm sóc cá nuôi. Nguồn cá giống cá nuôi được đánh bắt từ tự nhiên nên lại càng làm cho nguồn giống cá tự nhiên cạn kiệt.
Việc nghiên cứu “Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chiên trong ao nước chảy và lồng trên sông” sẽ góp phần hoàn thiện về nghiên cứu vòng đời của cá chiên và xây dựng quy trình nuôi cá một cách bài bản.
2. Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Thí nghiệm được thực hiện trên cá chiên giống. Cá giống được sản xuất tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Thạch Khôi, TP Hải Dương) trong khuôn khổ đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen cá chiên Bagarius rutilus – Ng & Kottelat, 2000″.
Phương pháp bố trí thí nghiệm
Nuôi cá chiên trong ao nước chảy với mật độ khác nhau
Thí nghiệm bố trí trong 3 ao, mỗi ao diện tích 900 m2, dùng lưới chia đều mỗi ao thành 3 ngăn. Thí nghiệm mật độ nuôi được bố trí ngẫu nhiên hoàn toàn với 3 lần lặp. Dùng 2.400 con cá chiên giống lớn cỡ 30 – 50 g/con để bố trí thí nghiệm.
Công thức thí nghiệm
+ Công thức 1: 0,7 con/m2 (210 con/ngăn)
+ Công thức 2: 0,9 con/m2 (270 con/ngăn)
+ Công thức 3: 1 con/m2 (300 con/ngăn)
– Chế độ chăm sóc và quản lý: Các ao nuôi áp dụng chung chế độ chăm sóc.
– Thức ăn: Dùng cá mè hoặc cá tạp băm nhỏ vừa miệng cá.
Cá cỡ 50 – 150 g/con, cho ăn 2 lần/ngày, thức ăn chiếm 5 – 7% khối lượng thân.
Khi cá > 150 g/con, cho ăn 1 lần/ ngày vào buổi chiều, thức ăn chiếm 3 – 4% khối lượng thân. Hàng ngày kiểm tra sàng ăn, hàng tháng kiểm tra tăng trọng cá để điều chỉnh thức ăn, bố trí máy phun mưa cung cấp ôxy. Vệ sinh sàng ăn và ngăn lưới.
Nuôi cá chiên trong lồng trên sông với mật độ khác nhau
Thí nghiệm tại Phú Thọ và Hải Dương, mỗi nơi sử dụng 3 mật độ ngẫu nhiên với 3 lần lặp. Số cá sử dụng 3.460 con (30 – 50 g/con).
Công thức mật độ
Phú Thọ: Lồng 20 m3
– Công thức 1: 7 con/m3 (140 con/lồng)
– Công thức 2: 9 con/m3 (180 con/lồng)
– Công thức 3: 10 con/m3 (200 con/lồng)
Hải Dương: Lồng 25 m3
– Công thức 1: 7 con/m3 (175 con/lồng)
– Công thức 2: 9 con/m3 (225 con/lồng)
– Công thức 3: 10 con/m3 (200 con/lồng)
+/ Chế độ chăm sóc: Như nhau.
– Thức ăn: cá tươi băm nhỏ phù hợp với cá
+ Cá 50 – 150 g/con cho ăn 2 lần/ngày với khẩu phần bằng 5 – 7% khối lượng thân.
+ Cá > 150 g/con cho ăn 1 lần/ ngày. Khẩu phần ăn 3 – 4% khối lượng thân. Hàng ngày, hàng tháng kiểm tra sàng ăn và tăng trọng cá để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, vệ sinh sàng ăn và lồng nuôi.
Chỉ tiêu theo dõi
– Khối lượng cá tăng thêm WG (weight gain)
WG (gam) = W2 – W1
(W2 và W1 là khối lượng cá sau và trước khi thả)
– Chiều dài cá tăng thêm LG (length gain)
LG = L2 – L1
(L2 và L1 là chiều dài cá sau và trước khi thả)
– Tốc độ tăng trưởng bình quân ngày ADG (average daily growth)
ADG (gam/con/ngày) = (W2 – W1)/Số ngày nuôi
– Tỷ lệ sống TLS (%) = Số cá còn lại khi thu hoạch/số cá khi thả.
– Năng suất cá nuôi
2.3. Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu được xử lý bằng phần mềm Excel, phân tích Anova 1 nhân tố, xác định sự sai khác giữa các công thức thí nghiệm.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Nuôi cá chiên trong lồng trên sông
Kết quả nuôi cá chiên trong lồng tại Phú Thọ
Sau 18 tháng thí nghiệm nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng trên sông đã cho kết quả khả quan, số liệu được tổng hợp cụ thể qua Bảng 3.1.
Kết quả bảng 3.1 cho thấy chiều dài và trọng lượng cá giảm dần khi mật độ nuôi tăng. Khối lượng cá thu hoạch trung bình thấp nhất ở mật độ 3 là 1,36 kg/con, cao nhất ở mật độ 1 là 1,48 kg/con và tiếp đến là mật độ 2 đạt 1,38 kg/con. Như vậy, nuôi cá chiên trong lồng trên sông ở mật độ khác nhau có sự khác biệt về trọng lượng cá cuối chu kỳ nuôi, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Tỷ lệ sống cá sau 18 tháng nuôi ở mật độ 1 cho kết quả cao nhất (85%) và thấp nhất ở mật độ 3 (73%).
Kết quả nuôi cá chiên lồng tại Hải Dương
Cá chiên được thí nghiệm nuôi thương phẩm trong lồng trên sông tại Hải Dương với cỡ thả 17,4 cm/con, trọng lượng 40 – 43 g/con. Kết quả nuôi được thể hiện qua Bảng 3.2.
Sau 14 tháng nuôi qua Bảng 3.2 cho thấy mật độ nuôi tăng thì tăng trưởng chiều dài và trọng lượng cá giảm. Trọng lượng cá thu hoạch trung bình cao nhất ở công thức 1 là 1,04 kg/con, công thức 2 đạt 0,97 kg/con và công thức 3 là 0,93 kg/con. Tỷ lệ sống ở công thức 1 ao nhất đạt 81,0% và thấp nhất ở công thức 3 là 72,5%.
Năng suất và hiệu quả kinh tế
Kết quả Bảng 3.3 cho thấy, nuôi cá chiên cho hiệu quả kinh tế cao. Ở Phú Thọ, sau 18 tháng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao nhất ở mật độ 1 (lãi 29,8 triệu/lồng 20 m3). Khi đó, sau 14 tháng nuôi cho kết quả cao nhất ở mật độ 1 (lãi 23,13 triệu/lồng 25 m3). Khi so sánh với thời điểm tháng nuôi 14 tại Phú Thọ, nuôi cá chiên trong lồng trên sông tại Hải Dương cho kết quả thấp hơn. Điều này có thể lý giải rằng do cá chiên là loài cá bản địa nên việc thích nghi với môi trường sinh thái, các yếu tố thủy lý, hóa… tốt hơn so với môi trường nuôi mới.
Kết quả nuôi cá chiên trong ao nước chảy tại Hà Giang
Trọng lượng cá khi thu hoạch trung bình thấp nhất ở mật độ 3 là 1,08 kg/con và cao nhất ở mật độ 1 là 1,29 kg/con (Bảng 3.4). Tỷ lệ sống của cá nuôi ở mật độ 1 cao nhất với 83,3% và thấp nhất 77%. ở mật độ 3. Nguyên nhân do nuôi cá chiên trong lồng trên sông loài cá này có vây ngực cứng, răng sắc, khi nuôi mật độ cao nếu thức ăn không đủ hoặc không rải đều trong ao thì cá sẽ tranh giành thức ăn, cọ sát, cắn lẫn nhau gây thương tích, tạo điều kiện dịch bệnh phát triển làm tỷ lệ sống thấp. Mặc dù năm 2013 – 2014 mùa đông lạnh, nhiệt độ biến động, ảnh hưởng đến tăng trưởng cá nhưng so với một số loài cá nuôi khác thì cá chiên chịu lạnh tốt hơn.
Năng suất và hiệu quả kinh tế của nuôi cá chiên trong ao nước chảy
Sau 18 tháng nuôi, sơ bộ đánh giá hiệu quả kinh tế ở cả 3 mật độ nuôi để xác định mật độ nuôi phù hợp nhất. Kết quả thể hiện cụ thể qua Bảng 3.5.
Ao 300 m2 cho lợi nhuận cao nhất ở mật độ 1 là 37,5 triệu đồng/ao, tiếp theo là mật độ 2 và 3 lần lượt là 32,3 và 30,6 triệu/ao. Vậy, có thể khẳng định rằng cá chiên phát triển tốt trong ao nước chảy, nuôi mật độ 0,7 con/m2 là phù hợp và có khả năng phát triển nhân rộng.
3.2. Bệnh cá và cách phòng trị
Kết quả phân tích cho thấy cá chiên nuôi ở cả ao và lồng chủ yếu bị nhiễm ký sinh trùng như: trùng quả dưa, trùng bánh xe, bệnh do vi khuẩn Pseudomonas, Aeromonas và Steptococcus, trong đó tỷ lệ cá nhiễm trùng quả dưa cao (lên đến 47,8% khi cá nhỏ), chưa phát hiện nấm hay vi khuẩn gây bệnh cá nuôi thương phẩm.
Cách phòng trị
Trị bệnh trùng quả dưa bằng formalin (7 – 12 ppm); tắm 10 – 15 phút, tắm liên tục trong 5 ngày. Cá bị lở loét ở gốc vây và quanh miệng có thể dùng kháng sinh frifampicin trộn vào thức ăn (450 mg/kg cá mồi), cho ăn 7 ngày liên tục. Trị trùng bánh xe, dùng CuSO4 hoặc Formalin (3 – 5 ppm) tắm cá 10 – 15 phút/lần/2 ngày hoặc phun xuống ao với liều lượng 0,5 – 0,7 g/m3 nước.
4. Kết luận
– Cá chiên tăng trưởng trung bình sau 18 tháng nuôi trong lồng trên sông ở mật độ 7 – 10 con/m3, trọng lượng > 1 kg/con, trọng lượng cá đạt cao nhất khi nuôi tại Phú Thọ mật độ 7 con/m3 là 1,48 kg/con.
– Cá nuôi ao đạt tăng trưởng tốt nhất (1,29 kg) ở mật độ 0,7 con/m2, khi tăng mật độ thì tăng trưởng giảm.
– Nuôi cá chiên lồng trên sông cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi ao nước chảy.
– Cá chiên khi nhỏ dễ bị bệnh ký sinh trùng (trùng quả dưa), khi lớn thì bị bệnh lở loét do vi khuẩn. Có thể chữa ký sinh trùng bằng formalin và vi khuẩn bằng rifampicin.
Theo Thuỷ sản Việt Nam ,