Gần đây nhiều người nuôi thường đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc nuôi ghép cá rô phi và tôm nhằm hạn chế bệnh “gan tụy” (EMS)? Các câu hỏi thường gặp là mô hình này có hiệu quả không? Hệ số thức ăn khi nuôi ghép cá rô phi như thế nào? Cá rô phi thả vào lúc nào và cỡ cá thả là bao nhiêu?
Khi tiến sĩ D.Lighner trình bày chuyên đề hấp dẫn “Đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh EMS trên tôm” tại trường Đại học Nông Lâm TPHCM vào tháng 5/2013, giáo sư Kenvin Fitzsimmons cũng đã có bài thuyết trình về việc nuôi ghép cá rô phi và tôm như là một giải pháp phòng bệnh gan tụy.
Nuôi ghép cá rô phi với tôm tại Việt Nam đã được thực hiện từ hàng chục năm trước nhằm mục đích phòng bệnh đốm trắng và các bệnh nhiễm khuẩn khác trên tôm, tuy nhiên hiệu quả chưa thực sự rõ ràng tại thời điểm đó.
Vào năm 2001 (cách nay 13 năm), giáo sư Kenvin Fitzsimmons đã có bài viết về mô hình nuôi ghép cá rô phi với tôm sú trên ADVOCATE (số tháng 6/2001, trang 43 – 44 với tựa đề Polyculture of tilapia and shrimp) và có lẽ ông là một trong những người tiên phong cho loại hình giàu tính khoa học này. Để có thêm thông tin tham khảo cho người nuôi, bài lược dịch bên dưới sẽ giúp bà con nuôi tôm có cái nhìn rõ ràng hơn loại hình này. Ngoài ra, một số đường link bên dưới bài lược dịch này cũng có thể giúp người nuôi có thêm thông tin về việc nuôi ghép cá rô phi và tôm.
BÀI VIẾT CỦA GIÁO SƯ KENVIN FITZSIMMONS
Hiện tại (năm 2001), nhiều ao nuôi tôm không còn hoạt động nữa vì dịch bệnh, quản lý kém hoặc nhiều nguyên nhân khác. Nuôi ghép cá rô phi và tôm có thể cung cấp một cơ hội để tái sản xuất, gặt hái lợi nhuận và phát triển bền vững hệ thống nuôi trồng thủy sản.
Cơ sở sinh thái học của nuôi ghép
Mặc dù tôm và cá rô phi ít khi sống cùng nhau, tuy vậy việc nuôi hai loài này với nhau hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều này dựa trên những đặc tính hệ sinh thái tương ứng của chúng. Chẳng hạn, tôm thì có xu hướng sống ở tầng đáy trong khi đó cá rô phi thì có hoạt động sống diễn ra chủ yếu ở tầng mặt. Cả tôm và cá rô phi đều là những loài có khả năng sống trong nhiều độ mặn khác nhau. Chúng cũng có thể sống trong điều kiện mật độ cao và nhanh chóng thích ứng với các điều kiện về chất lượng nước.
Tính ăn của cá rô phi
Trong tự nhiên, cá rô phi là loài ăn tạp. Ở giai đoạn còn nhỏ, chúng ăn tảo và các mảng vi khuẩn (bacteria film), khi lớn hơn chúng ăn động, thực vật phù du. Ở giai đoạn trưởng thành chúng ăn các loại thực vật lớn hơn như rong tảo thủy sinh.
Trong các ao nuôi quảng canh, cá rô phi ăn lọc chủ yếu là tảo, động vật phù du và các lớp mùn bả, màng sinh học vi khuẩn trên các bề mặt cứng. Khi nuôi thâm canh, mặc dù có nhiều dinh dưỡng được cung cấp từ thức ăn viên, tuy vậy cá rô phi vẫn dành thời gian để ăn tảo và các lớp màng vi khuẩn trên bề mặt cứng.
Tính ăn của tôm
Trong tự nhiên, tôm ăn tảo và phiêu sinh động vật ơ giai đoạn ấu trùng. Ở giai đoạn trưởng thành chúng ăn tạp và xác động thực vật thối rửa. Tập tính tự nhiên của chúng là tìm kiếm thức ăn ở nền đáy, liên tục nhặt các hạt cát và các mảnh vật chất hữu cơ.
Trong điều kiện ao nuôi, tôm ăn thức ăn viên và thức ăn tự nhiên trong ao. Tôm có thể được nuôi trong điều kiện ít thay nước và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh. Như vậy các điều kiện như oxy hòa tan, chất lượng nước …cần được duy trì để tôm có thể sống và hoạt động tốt.
Nuôi ghép
Trong mô hình nuôi ghép, cá rô phi và tôm được nuôi chung với nhau trong ao nuôi hoặc trong mô hình raceway. Với trường hợp nuôi ghép tuần tự, nước được chuyển từ khu vực nuôi này sang khu vực nuôi khác, trong trường hợp này các ao được quản lý độc lập, thức ăn khác nhau, lịch trình thu hoạch khác nhau và thậm chí khác nhau cả về độ mặn.
Phương pháp nuôi ghép cá rô phi có thể được thực hiện bằng cách nuôi chung cá rô phi và tôm. Một phương pháp khác là dùng lồng lưới nuôi cá rô phi đặt trong ao nuôi tôm.
Trong ao nuôi ghép quảng canh, cá rô phi sẽ ăn động thực vật ở tầng mặt trong khi tôm dành phần lớn thời gian để ăn ở tầng đáy bao gồm các vật chất hữu cơ lắng xuống từ tầng mặt. Vật chất hữu cơ lắng xuống từ tầng mặt bao gồm xác tảo chất và phân cá rô phi.
Trong ao nuôi ghép thâm canh có cho ăn thức ăn viên, cá rô phi sẽ ưu tiên ăn thức ăn, tuy vậy phần lớn thức ăn sẽ chìm xuống đáy để dùng làm nguồn cung cấp thức ăn chính cho tôm.
Trong nuôi ghép cá rô phi và tôm càng xanh, năng xuất tôm nuôi giảm rõ rệt so với mô hình nuôi độc canh tôm càng xanh, trong khi đó tổng năng suất cá và tôm lại tăng lên. Trong nuôi tôm sú, để tránh tình trạng cạnh tranh thức ăn, mô hình dùng lồng nuôi cá rô phi trong ao tôm, hoặc nuôi ghép tuần tự cần được thực hiện.
Giảm ảnh hưởng của bệnh
Cá rô phi dường như cung cấp một lợi thế đáng kể trong mô hình nuôi ghép vì chúng không mang mầm bệnh virus, vi khuẩn của tôm, ngoài ra chúng có thể nhanh chóng ăn những con tôm chết, tôm yếu và qua đó làm giảm khả năng lan truyền bệnh trong ao. Bên cạnh đó, cá rô phi cũng có thể ăn những loài giáp xác nhỏ khác trong ao. Giáp xác là một trong những vật chủ mang mầm bệnh cho tôm.
Tình trạng nhiễm khuẩn trong mô hình nuôi ghép cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Vi khuẩn gây bệnh trên tôm chủ yếu là vi khuẩn gram âm, trong khi đó nước ao nuôi cá thì chiếm ưu thế bởi vi khuẩn gram dương. Vì thế việc dùng nước ao nuôi cá để nuôi tôm dường như giúp giảm mật số vi khuẩn gây bệnh trên tôm.
Ảnh hưởng đến điều kiện ao nuôi
Các yếu tố vật lý có thể làm gia tăng tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của tôm. Chẳng hạn, cá rô phi có thể làm xáo động nền đáy nhiều hơn tôm cả trong hoạt động tìm kiếm thức ăn và làm tổ đẻ. Điều này có ích trong một số trường hợp.
Xáo động nền đáy có thể cải thiện quá trình oxy hóa đáy ao, ngắt chu kỳ sống của các tác nhân gây bệnh của tôm, giải phóng chất dinh dưỡng vào môi trường nước giúp tảo phát triển. Tuy vậy hoạt động này cũng có thể gây ra những bất lợi như làm giảm oxy hòa tan, gia tăng độ đục, và tốn nhiều chi phí hơn cho việc cải tạo ao vào giữa các chu kỳ nuôi.
Những đánh giá khác
Thu hoạch tôm trong một ao nuôi ghép có thể gặp khó khăn vì phải lựa riêng cá và tôm. Thêm vào đó thu hoạch cá trước khi thu tôm cũng không thể thực hiện được vì cá rô phi rất giỏi trong việc thoát khỏi lưới đánh bắt.
Kết luận
Nuôi ghép cá rô phi và tôm có thể mang lại lợi ích cho việc phòng bệnh cho tôm, tuy nhiên người nuôi cần cân nhắc, suy xét và tìm hiểu kỹ càng các ưu khuyết điểm trước khi quyết định áp dụng. Nuôi trồng thủy sản cần phát triển bền vững nhưng cũng cần phải có lợi nhuận.
Vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời như độ mặn nào là tối ưu cho mô hình nuôi ghép, mật độ thả ra sao cho cả tôm và cá rô phi trong mô hình này, tỷ lệ cho ăn, tác động môi trường, chi phí và bệnh do nhiễm ký sinh trùng?
Theo VINHTHINH BIOSTADT, 03/11/2014 ,