Nghề nuôi tôm càng xanh đã tồn tại hàng chục năm nay tại Ấn Độ. Từ hoạt động nuôi nhỏ lẻ, mang tính tự phát, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, hiệu quả kinh tế không cao, Ấn Độ đã dần có nhiều biện pháp nuôi hiệu quả và luôn hướng tới tính bền vững.
Cải tiến biện pháp nuôi
Nuôi tôm càng xanh (TCX) truyền thống tại Ấn Độ đã tồn tại hàng chục năm nay và phát triển rất nhanh từ năm 1999. Trong đó, bang Andhra Pradesh chiếm 87% diện tích và sản lượng TCX toàn Ấn Độ. Năm 2004 – 2005, Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu TCX, đạt giá trị khoảng 84 triệu USD. Những năm sau đó, sản lượng xuất khẩu giảm, do nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng mạnh cùng sự xuất hiện của nhiều nhà cung cấp TCX trên thị trường, cạnh tranh gay gắt.
Nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Ấn Độ cũng tăng mạnh, chiếm 50% tổng sản lượng tôm. Ấn Độ có hơn 70 trại sản xuất giống với năng suất hằng năm khoảng 1.800 triệu ấu trùng TCX. 60% trại sản xuất tôm giống tập trung ở bang Andhra Pradesh. Hầu hết các trại sản xuất tôm giống tại Ấn Độ đều có hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch.
Ấu trùng TCX được nuôi ở nước ngọt hoặc nước lợ có độ mặn nhỏ hơn 10 ppt có tỷ lệ tôm sống sót cao, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn khi nuôi ở môi trường nước có độ mặn chuẩn 15 ppt. Ấn Độ duy trì các trại nuôi tôm quy mô nhỏ (dưới 4 ha), quy mô vừa (4 – 8 ha) và quy mô lớn (trên 8 ha). Mô hình nuôi thủy sản đơn trong ao đất vẫn phổ biến nhất, kết hợp nuôi ghép một số loài thủy sản khác để tận dụng thức ăn thừa và cải thiện môi trường nước. Hiện, hộ nuôi tôm tập trung ở Andha Pradesh phổ biến hệ thống nuôi tôm toàn đực, trong đó con đực và con cái được lựa chọn bằng tay ngay sau khi ương. Mô hình này đã khắc phục được sự khác biệt sức tăng trưởng và cải thiện năng suất, cũng như sự chênh lệch về tốc độ ăn của tôm với kích thước khác nhau và giúp giảm thiểu tác động của hành vi chiếm cứ lãnh thổ ở con đực.
Theo FAO, tổng sản lượng TCX thế giới năm 2012 đạt trên 900.000 tấn; trong đó, TCX Trung Quốc gần 400.000 tấn, chiếm 29%. Giai đoạn 2006 – 2010, sản lượng tôm nuôi của Ấn Độ và Bangladesh giảm với tốc độ trung bình hằng năm 6% do ảnh hưởng của sự biến động diện tích, mật độ thả giống, số vụ nuôi không hợp lý và dịch bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng. Vì thế, năm 2010, sản lượng tôm của hai nước này chỉ còn khoảng 200.000 tấn; trong đó, TCX của Ấn Độ hơn 10.000 tấn, Bangladesh 23.240 tấn.
Hướng tới bền vững
Nuôi TCX xuất hiện ở Ấn Độ từ giữa những năm 1990, sau khi nhiều mô hình nuôi tôm nước mặn thất bại do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và xung đột chính trị tại nhiều quốc gia, dẫn đến các cuộc tranh chấp đường biển gay gắt và hình thành luật biển rất chặt chẽ (CAA2006). Trong khi đó, hoạt động nuôi TCX lại có lợi thế liên quan môi trường, như không gây mặn hóa vùng nuôi, và do đó nó có thể tránh được một vài dịch bệnh như WSD – bệnh đốm trắng. Tuy nhiên, sự buông lỏng quản lý hoạt động nuôi TCX (như chọn con giống kém chất lượng, mật độ thả quá dày khiến ao quá tải, điển hình là vùng Nellore) khiến hoạt động nuôi TCX thiếu bền vững, kém hiệu quả.
Nhưng thời gian gần đây, Ấn Độ đã áp dụng nhiều biện pháp nuôi cải tiến, là bước chuyển biến tích cực sang hoạt động nuôi tôm bền vững. Bao gồm: nuôi đơn, sử dụng toàn đực, kết hợp với nông nghiệp, tôm – lúa luân canh, cải tạo các vùng đất nhiễm mặn ở phía bắc Ấn Độ và thiết kế ao nuôi tuần hoàn kín. Các hộ nuôi tôm ở Andhra Pradesh cũng chủ động phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ môi trường nuôi, để tạo ra sản phẩm sạch, thực sự an toàn cho con người và môi trường sống.
Theo các trại nuôi tôm tại Ấn Độ, nuôi TCX đơn tính đực có lãi cao hơn 60% so với nuôi tôm toàn cái và 63% so với nuôi lẫn. Đặc biệt, quá trình nuôi ngắn hơn và mật độ thả giống thấp hơn, vì vậy ít gặp rắc rối về chất lượng nước và ô nhiễm.
Theo Thủy sản Việt Nam