Hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong nuôi tôm đóng vai trò chính trong việc hướng đến ngành công nghiệp nuôi bền vững hơn, dưới đây là những kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm sú ở mật độ thưa hạn chế sử dụng hóa chất.
1. Chuẩn bị ao
+ Làm thủ công, diệt giáp xác cua, còng ở hang bằng Nuguvon A- 150 gam trộn vói 1kg cơm nguội bỏ vào miệng hang chừng 5 – 7 hột (hoặc dùng thuốc diệt cua không có mùi). Cứ 3- 4 ngày lập lại lần cho triệt để.
+ Kế đến sên vét đáy ao, làm rào lưới quanh ao từ 1,2m trở lên ngăn giáp xác, phơi đáy ao 10- 15 ngày.
2. Lấy nước
+ Phải nhận định triều cường mạnh hay yếu; nước có phát sáng hay không. Lấy nước vào phải có túi lọc bằng vải katê hoặc musilin. Ống lần lượt dài từ 30m trở lên để áp suất nước không cản ống lượt.
+ Mực nước lấy vào ao từ 1- 1,2m (tháng mưa)
+ Mực nước lấy vào ao từ 1,2- 1,6m (tháng nắng)
+ Lấy nước xong 4- 7 ngày, xử lý diệt tôm tạp, cá, vi khuẩn, tảo bằng thuốc tím 6- 10kg cho 1.000m2 nước.
3.Gây màu và bón vôi
+ Xử lý thuốc tím 2 ngày sau phân giải kim loại trong thuốc tím bằng EDTA từ 1- 3 kg cho 1.000m2.
+ Ngày thứ 3, sáng sử dụng phân DAP hoặc NPK từ 2- 5 kg cho 10002 nước, chiều sử dụng Dolomite 30- 40 kg cho 1000m3. Sử dụng mỗi ngày cho tới khi màu nước lên tảo đạt độ trong 30- 40cm.
+ Sau đó sử dụng cám mịn ngâm chua 5- 10 kg cho 1000m2 từ 1 – 3 ngày sử dụng 1 lần trong thời gian 10 ngày đầu.
4. Điều chỉnh pH
+ Điều chỉnh pH cho phù hợp từ 7,5 – ,5 dao động không quá 0,5.
+ Nếu pH cao trên 8,5: sử dụng đường rỉ mật 3- 5 kg cho 1000m2 hoặc sử dụng acid citric (sản phẩm hạ pH).
+ Nếu pH dưới 7: sử dụng vôi nung CaO 5 – 10kg cho 1000m2 hoặc vôi CaCO3 cho 1000m2 sử dụng vào trưa nắng.
+ pH dao động trên 0,5: sử dụng Dolomite 20 – 40kg/1000m2 liên tục 2- 5 ngày vào chiều tối.
5. Độ kiềm 70- 150 mg/L
+ Độ kiềm thấp dưới 70 mg/L: sử dụng Dolomite 20 – 40kg/1000m2 liên tục 3- 5 ngày hoặc sử dụng nước giếng khoan làm tăng kiềm (nước giếng khoan thành phần có kim loại nặng sau khi sử dụng phân giải EDTA 1 – 3 kg cho 1000m2). Còn sử dụng sản phẩm hạ kiềm thì giá thành rất cao.
+ Độ kiềm cao trên 150mg/L: không nên sử dụng nước giếng khoan, nên sử dụng thạch cao hoặc sản phẩm hạ kiềm. Nếu có điều kiện ao lắng để thay nước là tốt nhất.
+ Sau cùng sử dụng vi sinh định kỳ:
– 10 – 15 ngày trong 2 tháng đầu.
– 7 – 10 ngày cho những tháng cuối.
6. Thả tôm
+ Tôm giống: tuyệt đối phải tự mình đi xét nghiệm lựa sạch bệnh. (NẾU KHÔNG XÉT NGHIỆM THÌ XIN ĐỪNG NUÔI).
+ Độ mặn trong bọc tôm giống nên bằng hoặc cao hơn ao nuôi 5%0 thả tôm không sốc.
+ Độ mặn trong bọc tôm giống thấp dưới 10%0 phải thuần kỹ (tôm dễ bị sốc).
+ Nhiệt độ trong bọc và dưới ao phải thuần ngang nhau (tôm không bị sốc).
7. Chăm sóc
+ Cho tôm ăn theo chỉ dẫn của nhà sản xuất thức ăn.
+ Tôm 20 ngày tuổi cho ăn bổ sung men tiêu hóa và Vitamin C, 1 – 2 lần /ngày suốt vụ nuôi.
+ Chu kỳ tôm lột xác, thời tiết giao mùa nóng, lạnh hoặc tảo tàn cần bổ sung thêm Betaglucan, khoáng, Vitamin tổng hợp ngày 2 lần 5- 10 ngày.
+ Kiểm tra chài tôm 7- 10 ngày lần, theo dõi tốc độ tăng trưởng của tôm mà có cách khắc phục.
8. Xét nghiệm mẫu nước định kỳ có kết quả, xong căn cứ vào kết quả đó mà xử lý nước:
+ Nếu kết quả mẫu nước sạch hoặc mật độ vi khuẩn thấp (dưới mức cho phép) thì ta sử dụng vi sinh định kỳ nuôi tiếp. Nếu không sử dụng vi sinh định kỳ thì sử dụng vôi CaCO3 20- 40 kg/1000m2 nuôi tiếp.
+ Nếu kết quả mẫu nước mật độ vi khuẩn quá cao thì ta hãy xử lý bằng hóa chất diệt khuẩn. Xong 2- 3 ngày sau lấy mẫu nước đem xét nghiệm lại. Để vừa kiểm tra lại môi trường ao đang nuôi tôm và kiểm định được những sản phẩm đang sư dụng có hiệu quả hay không hiệu quả, xét nghiệm mẫu nước 30.000đ tại Sở Thủy sản Bạc Liêu.
+ Chi phí sử dụng vi sinh hoặc vôi thấp hơn sử dụng hóa chất rất nhiều, đáy ao không bị chai do tồn lưu hóa chất, ao nuôi được bền vững lâu dài.
Trên đây là toàn bộ những kinh nghiệm, kỹ thuật của tôi đã nuôi tôm sú ở mật độ thưa thành công nhiều năm liền, nếu bà con nông dân nào có kinh nghiệm nuôi tốt hơn, tôi luôn mong được cầu thị, học tập hoặc các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước có những phương pháp hiệu quả hơn, mà chi phí thấp đem lại hiệu quả kinh tế hơn, tôi rất mong được chỉ giáo. Vì mục tiêu: mọi người nông dân nghèo, ít vốn đều áp dụng được và đưa ngành nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, cùng các ngành thủy sản trong cả nước phát triển bền vững.
Theo Tep Bac