Độ đục, độ trong nước ao nuôi

Độ trong, độ đục cũng là một trong những yếu tố không kém phần quan trọng cần kiểm soát trong ao nuôi thủy sản. Nhằm tránh được các tác động xấu của nó lên sức khỏe động vật thủy sản, cũng như môi trường ao nuôi.

Nguồn gốc

Độ đục của nước liên quan đến số lượng của vật chất nằm lơ lửng trong nước, là khả năng cản những tia nắng mặt trời và độ trong của nước là khả năng cho ánh sáng xuyên qua nước.

Độ đục có thể là kết quả từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể do nguồn nước, nước rửa trôi, bụi phóng xạ từ không khí. Hoặc do chuyển động của dòng nước, của tôm cá, do thức ăn thừa, hay chất thải của tôm cá nuôi, sự phát triển của tảo… Độ đục sẽ khác nhau phụ thuộc vào vị trí ao, nguồn cấp nước, đối tượng nuôi ở những ao nuôi khác nhau.

Độ trong nước ao nuôi chủ yếu phụ thuộc vào số lượng và đặc tính khối chất cái (seston) trong nước, đó là tập hợp các sinh vật và các thể vẩn lơ lửng trong nước.

Tác động

Độ đục quá cao (độ trong thấp) sẽ có những tác động bất lợi cho hệ sinh vật dưới nước và sức khỏe chung của cả ao, gây giảm năng suất ao nuôi.

Độ đục cao làm giảm ánh sáng mặt trời xâm nhập vào trong nước qua đó ức chế sự tăng trưởng của thực vật phù du, giảm sản xuất ôxy trong ao. Khi độ đục quá cao, sẽ làm cho cá hô hấp khó khăn do lượng phù sa lắng tụ trên nền đáy, bao phủ trên mang cá, cường độ bắt mồi giảm. Cá sẽ bị thiếu ôxy và nổi đầu vào lúc sáng sớm. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng kém, nếu bùn nhiều quá mức có thể gây kích ứng mang cá, dập trứng cá và gây chết ngạt ở các cộng đồng động vật thủy sinh. Ở tôm, nếu độ đục cao có thể gây ra chênh lệch nhiệt độ và phân tầng ôxy hòa tan trong ao nuôi. Nó cũng có thể gây ra tắc nghẽn mang tôm hoặc gây chấn thương trực tiếp đến các mô của tôm. Ngược lại, nếu độ trong quá cao, nước nghèo dinh dưỡng, sinh vật phù du kém phát triển sẽ hạn chế thành phần thức ăn tự nhiên của cá, tôm làm giảm năng suất nuôi trong ao. Đối với các ao nuôi nước quá trong sẽ làm cá nuôi trở nên nhạy cảm, sợ và bỏ ăn. Đặc biệt, với các ao ương giống sẽ làm giảm tỷ lệ sống trong khi ương một cách đáng kể do thiếu hụt lượng thức ăn tự nhiên.

Độ trong thích hợp cho các ao nuôi cá 20 – 30 cm, đối với ao nuôi tôm 30 – 45 cm. Độ trong của ao được xác định qua một dụng cụ là đĩa Secchi có đường kính 20 cm. Độ đục được đo bằng độ hấp thụ ánh sáng hoặc hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng. Hoặc theo kinh nghiệm, có thể đo độ trong bằng cách cho cánh tay xuống ao, sao cho nước ngập đến khuỷu tay rồi quan sát, nếu không nhìn thấy bàn tay là nước đạt độ trong tương đối thích hợp.

độ trong nước ao nuôi thủy sản

Kiểm soát và quản lý

Quản lý độ đục từ nguồn nước: Chứa nước đục trong ao để lắng; Chọn nguồn nước cấp thích hợp; Khoanh nguồn nước đọng để tránh gây xói mòn bờ ao.

Quản lý độ đục bên trong ao: Nếu độ đục nước cao, phương pháp đơn giản là tiến hành thay nước. Tuy nhiên, cần lựa chọn thời điểm thay nước thích hợp, nên cấp nước vào lúc nước sông đang lớn, tránh thời điểm lũ đang về. Đồng thời, có thể loại bỏ hạt lơ lửng trong ao bằng muối vô cơ như nhôm sunfat (Al2 (SO4)3) để tạo kết tủa và lắng tụ. Hay sử dụng thực vật phù du như hạt nhân cho sự kết đông, bón phân giúp kích thích sự phát triển của các thực vật nổi, từ đó các tế bào thực vật lấy đi những hạt đất sét.

Ngược lại, nếu độ trong của nước quá cao, người nuôi cần kiểm tra lại pH trong ao nuôi. Nếu pH thấp thì phải bón thêm vôi, kết hợp bón phân và sử dụng các hóa chất gây màu nước nhằm cung cấp dinh dưỡng, kích thích tảo phát triển làm giảm độ trong của nước. Đồng thời, cần gom tụ chất thải và tránh khuấy động trong ao, loại bỏ chất thải ra khỏi ao nuôi. Song song với đó là vẫn đề quản lý tốt thức ăn và màu nước trong ao nuôi.

Nếu ao nuôi quản lý tốt được các yếu tố môi trường, gây ra ít biến động (trong đó có độ đục, độ trong) sẽ làm cho động vật thủy sản không bị stress, ít dịch bệnh, tiết kiệm được chi phí nuôi và tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Hoàng Yến, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 04/01/2016

Một bình luận trong “Độ đục, độ trong nước ao nuôi”

Ý kiến của bạn