Ngoài yếu tố tôm nuôi chết sớm do bệnh gan tuỵ cấp thì thức ăn là một nguyên nhân gây bất lợi cho tôm, dẫn đến vụ nuôi không thành công như mong đợi. Do đó, việc quản lý thức ăn phải được người nuôi đặt lên hàng đầu, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.
Thức ăn cho tôm nuôi phải được cung cấp từ công ty có uy tín, chất lượng được kiểm chứng và người nuôi thành công trong nhiều năm qua. Việc vận chuyển thức ăn từ đại lý đến hộ nuôi có thể xảy ra xây xát, lủng bao hoặc ẩm ướt chắc chắn sẽ giảm chất lượng, gây hại cho sức khoẻ tôm nuôi.
Anh Du Tô Sữa, ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, cho biết: “Vừa qua tôi sử dụng lô thức ăn 15 bao có hiện tượng như bị sấy lại, không còn mùi và cho tôm ăn trong khoảng 10 ngày thì có hiện tượng tôm tấp mé. Ðành phải thu hoạch sớm”.
Về quy trình nuôi, kỹ thuật nuôi, anh Sữa nhận định, khi cho ăn dư khoảng 3 cữ thì nước sẽ lên tảo màu xanh đen. Khi đó, một số trường hợp xử lý cắt tảo bằng các loại hoá chất để hạn chế sự nở hoa của tảo, đồng thời xử lý vi sinh, các loại thuốc trộn, khoáng tạt để tăng cường sức khoẻ cho tôm, ổn định môi trường ao nuôi. Những biện pháp này rất tốn kém và hiệu quả chỉ trong giai đoạn ngắn mà không ổn định được đến hết vụ nuôi.
Thạc sĩ Ðỗ Văn Hoàng, Phân viện Nghiên cứu thuỷ sản Minh Hải, cho biết: “Có rất nhiều loại đạm được các công ty thức ăn công bố nhưng tôm chỉ hấp thu được những loại đạm là axitamin dễ tiêu, còn lại tôm không hấp thu được sẽ thải ra môi trường bên ngoài”.
Cũng theo Thạc sĩ Ðỗ Văn Hoàng, từ kết quả nguyên cứu của nhiều nhà khoa học, tôm chỉ hấp thu được khoảng 17% đạm có trong thức ăn. Tuỳ theo sức khoẻ của tôm trong thời điểm khác nhau và tuỳ theo hàm lượng đạm (axitamin) dễ tiêu có trong thức ăn mà tôm hấp thụ được cũng khác nhau trong ngày. Bên cạnh đó, hiện nay việc kiểm tra cũng như quản lý chất lượng thức ăn – hàm lượng đạm trong thức ăn mà các công ty thức ăn công bố trên bao bì là rất khó khăn.
Lượng đạm được tôm thải ra môi trường hằng ngày cùng với đạm trực tiếp từ thức ăn khi người nuôi tôm cho ăn dư thừa được tích tụ lại dưới đáy ao. Sau một thời gian, lượng đạm này phân huỷ, sinh ra khí độc NH3 và H2S. Lượng khí độc này được người nuôi xử lý bằng các loại thuốc thuỷ sản và phải định kỳ để ổn định nhưng rất tốn kém. Cùng với lượng đạm dư thừa trực tiếp gây nở hoa cho tảo và khi tảo tàn sẽ vào mang tôm gây khó khăn cho tôm hô hấp, dẫn đến tôm chết đáy, người nuôi thu hoạch sớm trong giai đoạn 1-2 tháng tuổi như đã qua.
Do đó, để vụ nuôi thành công, người nuôi phải sử dụng vi sinh chất lượng xử lý đáy định kỳ; phải quản lý, cho tôm ăn theo phương châm từ đủ đến thiếu lượng thức ăn cho tôm vào mỗi lần cho ăn. Phải căn cứ vào trọng lượng tôm hiện tại cùng với số lượng tôm thả nuôi để xác định lượng thức ăn cho mỗi lần ăn. Nếu thực hiện tốt việc quản lý thức ăn trên thì chi phí cho vụ nuôi sẽ giảm và bớt rủi ro, giúp vụ nuôi thành công cao hơn…
Theo Báo Cà Mau, 09/11/2014 ,