Nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Ngọc Hải, Lý Văn Khánh và Trần Thị Thanh Hiền, Trường đại học Cần Thơ đã nghiên cứu sử dụng rong bún (Enteromorpha sp.) làm thức ăn cho cá nâu (Scatophagus argus). Kết quả nghiên cứu cho thấy rong bún có thể được sử dụng thay thế một phần thức ăn viên, góp phần cải thiện chất lượng nước, giảm chi phí thức ăn và nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Rong bún có tự nhiên với sinh lượng rất lớn trong các thủy vực nước lợ (ao quảng canh, kênh tự nhiên…) ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cá nâu có giá trị kinh tế khá cao, được thị trường trong nước ưa chuộng, dễ nuôi, và được nuôi phổ biến trong các mô hình quảng canh kết hợp với các đối tượng khác ở vùng nước lợ. Kết quả nghiên cứu về dinh dưỡng cá nâu đã tìm thấy thành phần thức ăn trong dạ dày của cá nâu gồm mùn bã hữu cơ, rong, tảo… trong đó, rong Enteromorpha và Chaetomorpha là phổ biến nhất. Nếu sử dụng rong bún thay thế được một phần thức ăn viên cho cá nâu sẽ góp phần giảm chi phí thức ăn và nâng cao lợi nhuận, đồng thời khuyến khích nông hộ sử dụng nguồn rong bún sẵn có tại địa phương làm thức ăn cho tôm, cá.
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống, tăng trưởng và năng suất cá nâu nuôi trong ao có rong bún được cho ăn thức ăn mỗi 2 ngày và mỗi 3 ngày, không khác biệt so với ao nuôi không có rong bún và cho ăn thức ăn viên mỗi ngày. Hàm lượng TAN và NO2 trong ao nuôi cá nâu có rong bún thấp hơn so với ao không có rong bún. Thành phần sinh hóa (hàm lượng nước, protein, tro, Ca và P) của thịt cá nâu không bị ảnh hưởng bởi nghiệm thức thức ăn. Riêng hàm lượng lipid của thịt cá nâu ở ao nuôi có rong bún thấp hơn ở ao nuôi chỉ cho ăn thức ăn viên.
Nuôi cá nâu trong ao đất cho ăn thức ăn viên kết hợp với rong bún giảm được chi phí thức ăn từ 49,65 – 61,36%. Do đó, lợi nhuận và hiệu quả sử dụng đồng vốn cao hơn so với chỉ cho ăn thức ăn viên. Nuôi cá nâu trong ao nước lợ, nơi có rong bún hiện diện tự nhiên có thể áp dụng cho các hộ dân vùng nước lợ đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Khoa học phổ thông, 20/11/2014 ,