Đây là kết quả triển khai mô hình nuôi cá hồi bằng thức ăn do Viện I sản xuất nhằm đánh giá hiệu quả dinh dưỡng của thức ăn có bổ sung enzyme đối với nuôi cá hồi thương phẩm.
1. Mở đầu
Cá hồi là loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao đã được nhiều quốc gia nhập nội thành công trong đó có Việt Nam. Cá hồi được nuôi tại nhiều tỉnh trong cả nước như Lâm Đồng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La… Tiềm năng nuôi và thị trường tiêu thụ cá hồi ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi cá hồi còn gặp nhiều khó khăn, trong đó thức ăn là một trong những vấn đề làm hạn chế sự phát triển của nghề nuôi. Nguyên nhân là do thức ăn cho cá hồi hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Hà Lan, Đức, Pháp.. Chính vì vậy, nguồn thức ăn không ổn định và chi phí đến tay người nuôi rất cao làm tăng giá thành sản xuất. Một số công ty sản xuất thức ăn trong nước hiện đã đưa thức ăn cá hồi ra thị trường nhưng chất lượng còn chưa ổn định.
Nuôi cá hồi cho giá trị kinh tế cao
Enzyme là chất xúc tác sinh học, có tác dụng làm tăng nhanh tốc độ của quá trình phản ứng. Enzyme có đầy đủ tính chất cơ bản của một chất xúc tác. Ứng dụng các enzyme vào chế tạo thức ăn cho cá nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe động vật thủy sản, thúc đẩy quá trình tăng trưởng và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (Viện I) đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng enzyme để sản xuất thức ăn nuôi cá hồi và cá tầm” nhằm giúp người nuôi chủ động được thức ăn cho sản xuất. Dưới đây là kết quả triển khai mô hình nuôi cá hồi bằng thức ăn do Viện I sản xuất nhằm đánh giá hiệu quả dinh dưỡng của thức ăn có bổ sung enzyme đối với nuôi cá hồi thương phẩm.
2. Bố trí mô hình nuôi
– Thời gian nuôi: tháng 7/2012 đến tháng 1/2013 tại Tam Đường, Lai Châu.
– Cá được nuôi trong 2 bể kích cỡ 80m2/bể. Số lượng cá nuôi: 2.500 con cỡ 250g/con
– Thức ăn sử dụng: Thức ăn được sản xuất theo quy trình công nghệ của Viện I, với các thành phần chính: Bột cá, Khô đỗ tương, gluten ngô, dầu cá, Vitamin – khoáng tổng hợp và enzyme amylase, protease và phytase. Thành phần dinh dưỡng của thức ăn được thể hiện ở Bảng 1.
– Cho cá ăn ngày 3 lần, tỷ lệ cho ăn 1,2 – 1,5% trọng lượng cơ thể cá. Tiến hành theo dõi nhiệt độ nước nuôi cá và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
3. Kết quả
3.1 Biến động nhiệt độ môi trường trong quá trình nuôi
Nhiệt độ nước trong quá trình thí nghiệm có sự biến động theo tháng. Nhiệt độ nước dao động trong khoảng 9,5 – 17,10C. Vào tháng thời điểm tháng 7, tháng 8 nhiệt độ nước cao nhất lên tới 17,10C. Nhiệt độ nước thấp nhất vào tháng 1/2013, trung bình là 9,50C. Tuy nhiên, ngưỡng nhiệt độ này vẫn nằm trong giới hạn sinh trưởng của cá hồi, do đó không ảnh hưởng đến sức khỏe cá.
3.2 – Kết quả triển khai mô hình nuôi cá hồi
Khối lượng trung bình của cá hồi khi thả là 250g/con, sau 7 tháng nuôi khối lượng cá hồi đạt bình quân 1.250g/con. Khối lượng cá tăng lên trung bình là 1.015 g/con. Theo Vũ Duy Giảng, 2004 thì bổ sung enzyme vào trong thức ăn giúp vật nuôi tiêu hóa tốt hơn và khắc phục được các yếu tố kháng dinh dưỡng trong thức ăn. Do đó, thức ăn nuôi cá hồi sử dụng trong mô hình này có bổ sung enzyme đã giúp cá hồi hấp thu tối đa dinh dưỡng và cá tăng trưởng tốt.
Tốc độ tăng trưởng của cá hồi đạt bình quân 5,9 g/con/ngày, trong đó giai đoạn cá nhỏ hơn 600 g/con, tốc độ tăng trưởng dao động từ 2,33 đến 4,67 g/con/ngày, giai đoạn cá lớn hơn 600 g/con tốc độ tăng trưởng của cá cao hơn dao động từ 5,33 đến 6,5 g/con/ngày. Nhiệt độ cá nuôi dao động trong khoảng từ 9,5 đến 17,10C kết hợp với nguồn nước tại cơ sở nuôi chảy mạnh nên phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cá, giúp cá nuôi đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Sau 7 – 8 tháng nuôi, cá từ cỡ 250 g/con đã đạt cỡ thương phẩm (1.250 g/con).
Tỷ lệ sống của cá thí nghiệm
Tỷ lệ sống của cá hồi trong thí nghiệm này vẫn ở mức cho phép là 92,24%, trong khi đó tỷ lệ sống mong muốn ở các trại nuôi cá hồi vân trên thế giới là trên 90%, vì vậy tỷ lệ sống này được coi là phù hợp với nuôi cá hồi thương phẩm.
Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) và chi phí thức ăn
Hệ số chuyển đổi thức ăn trong của cá hồi nuôi trong mô hình này là 1,33. Hệ số này thấp hơn so với cá hồi nuôi trong thí nghiệm của Bilal Akbulut (2002), cá nuôi từ 118 đến 740 g/con, hệ số thức ăn là 1,65. Chi phí về thức ăn cho 1kg tăng trọng của cá hồi trong thí nghiệm này được tính toán thông qua giá thành sản xuất thức ăn bao gồm nguyên liệu sản xuất, nhân công, khấu hao, điện nước, bao bì, chi phí quản lý bán hàng. Giá bán 1kg thức ăn tại thời điểm sản xuất để thực hiện thí nghiệm là 35.000 đồng/kg. Chi phí về thức ăn để nuôi ra 1kg cá hồi là 46.550 đồng.
Từ kết quả đạt được của mô hình nuôi trên, có thể thấy thức ăn nuôi cá hồi do Viện I nghiên cứu đã đảm bảo được tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, hệ số thức ăn và chi phí thức ăn phù hợp với nuôi cá hồi thương phẩm. Việc sử dụng nguồn thức ăn này có thể giúp người nuôi chủ động được sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi cá hồi.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 28/11/2014 ,