Nuôi tôm ngày càng phải đối diện với dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng một số loại hóa chất hiện nay đang gây hại cho môi trường và làm giảm sự bền vững nghề nuôi.
Nhiều tác hại
Hầu hết các chất xử lý môi trường hiện nay đều có hoạt lực mạnh trong việc sát khuẩn, tiêu diệt nấm và mầm bệnh. Các loại hóa chất thường dùng là Chlorine, Formalin, Iodine, thuốc tím, BKC,…
Các loại hóa chất này được sử dụng từ khâu chuẩn bị ao, xử lý nước cho đến việc phòng và trị bệnh trong suốt quá trình nuôi.
Giai đoạn xử lý nước: Đối với sản phẩm Chlorine, tùy thuộc vào nồng độ trong từng sản phẩm mà có liều lượng sử dụng khác nhau. Chlorine tiêu diệt các sinh vật có hại, đồng thời cũng tiêu diệt các sinh vật có lợi trong môi trường nước. Chính vì thế, nước ao khi bị xử lý bằng Chlorine thường trong và khó gây màu.
Dư lượng Chlorine trong nước sau khi xử lý sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe tôm. Việc bật quạt nước, sử dụng một số loại hóa chất trung hòa Chlorine được khuyến cáo sử dụng. Tuy nhiên, theo nhiều người nuôi tôm thì cách làm này vẫn chưa đạt hiệu quả như ý muốn.
Bên cạnh đó, sử dụng Chlorine không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe (bị bỏng Chlorine, bị các tổn thương về niêm mạc do tiếp xúc hóa chất này…).
Ngoài Chlorine, một số loại hóa chất khác cũng được sử dụng để xử lý môi trường ao nuôi tôm, như: thuốc tím (KMnO4), Formalin, Iốt, BKC… Những loại hóa chất này cũng có tác dụng diệt mầm bệnh, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng. Tùy vào mục đích mà người nuôi tôm sử dụng một trong các loại hóa chất trên để xử lý môi trường cũng như phòng trị bệnh cho tôm.
Khi sử dụng các loại hóa chất trên cần lưu ý liều lượng và thời điểm sử dụng để đạt hiệu quả, giảm tác hại của những hóa chất này đối với tôm nuôi, môi trường và người sử dụng.
Những năm gần đây, người nuôi tôm ở nhiều địa phương gặp khó khăn trong quá trình nuôi. Trong đó, một nguyên nhân được kể đến nhiều là do việc lạm dụng hóa chất (Chlorine…) trong nuôi tôm dẫn đến tích tụ những hóa chất này gây trơ đáy và nhiễm độc đáy ao.
Cách khắc phục
Để giảm tác hại của hóa chất trong nuôi tôm, người nuôi cần hiểu đặc tính, liều lượng và cách sử dụng.
Khi xử lý môi trường ao nuôi bằng hóa chất, cần thời gian, sử dụng quạt khí để hạn chế dư lượng trong ao, tránh tồn dư trong sản phẩm khi thu hoạch.
Nếu sử dụng hóa chất trong quá trình dập dịch bệnh cho tôm, cần có ao xử lý, tránh xả trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng hệ sinh thái xung quanh.
Nên hạn chế sử dụng và giảm phụ thuộc hóa chất trong nuôi tôm. Cần thấy mặt trái việc sử dụng hóa chất, chuyển sang nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, men vi sinh và áp dụng những quy trình nuôi thân thiện môi trường hơn, giảm sử dụng các loại hóa chất trước đây thường sử dụng.
Để giảm tác hại của hóa chất trong nuôi tôm, người nuôi đã ứng dụng nhiều quy trình kỹ thuật theo hướng sinh học và bền vững như: Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh và hóa chất; Quy trình nuôi tôm bằng công nghệ biofloc; Quy trình nuôi tôm theo VietGAP… Những quy trình này chủ yếu dựa trên sự phát triển vi sinh vật có lợi, nhằm lấn át, kìm chế, tiêu diệt vi sinh vật có hại, tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 05/09/2014