Hiện nay, BKC (Benzalkonium Chloride) và các sản phẩm chứa hoạt chất BKC vẫn được dùng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, người nuôi tôm cần lưu ý và hạn chế sử dụng BKC để đảm bảo chất lượng tôm xuất khẩu, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản.
Trong nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh, việc sử dụng các loại thuốc sát trùng phổ biến như: BKC, KMnO4, Formaline, Idodine… nhằm giúp kiểm soát mật độ vi khuẩn có hại dưới mức gây bệnh (dưới 104 cfu/ml). Tuy nhiên, người nuôi tôm cần sử dụng các sản phẩm sát trùng, nhất là đối với sản phẩm chứa BKC đúng mục đích, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật. Trong trường hợp phải sử dụng các sản phẩm sát trùng cần hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa BKC, chỉ sử dụng khi thật khi thật cần thiết.
Theo các nhà khoa học, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về cơ chế tác động của BKC lên sinh vật. Tuy nhiên, cơ chế gây độc được biết đến là sự xâm nhập của nhóm Lipophilic alkyl vào trong màng tế bào, làm thay đổi tầng kép của phân tử phospholipid khiến tế bào suy yếu dẫn đến bị phá hủy, làm ngưng trệ quá trình điều khiển của các enzyme điều tiết quá trình hô hấp và trao đổi chất của tế bào.
Về cơ bản, BKC có hoạt tính mạnh khi pH và nhiệt độ cao cũng như thời gian tiếp xúc với giữa BKC với sinh vật dài. Trên thực tế, hoạt chất BKC ít bị ảnh hưởng bởi pH môi trường ao nuôi tôm nhưng nước có độ cứng và độ đục cao sẽ làm giảm tác dụng của BKC. Bên cạnh đó, các chất hữu cơ như: xà phòng, các chất tẩy rửa bề mặt tích điện âm nếu được sử dụng chung với BKC sẽ khiến hoạt tính của chất này giảm hoặc mất đi tác dụng.
Trong giai đoạn cải tạo ao nuôi tôm, bà con nông dân có thể sát trùng nước bằng các sản phẩm chứa BKC trước khi thả tôm 1 – 2 ngày, nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Giai đoạn tôm nhỏ, tôm phải lột xác nhiều lần, hệ miễn dịch kém dễ bị bệnh do virus (đốm trắng) và vi khuẩn (bệnh hoại tử gan tụy) nên tôm nhỏ rất nhạy cảm (sốc, yếu, chết) với các chất sát trùng, đặc biệt lúc tôm yếu, bệnh.
Thông thường trong 45 ngày đầu, nhiều trường hợp tôm giống chất lượng thấp có gan tụy đã nhiễm Vibrio nên khi thả tôm giống xuống ao rất yếu, rất mẫn cảm với các loại chất sát trùng. Khi tôm lớn, sức chịu dựng với thuốc sát trùng cao hơn, tuy nhiên, giai đoạn này người nuôi cũng cần cẩn thận khi sử dụng, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường ao tôm, sức khỏe tôm, gây chết tôm đang yếu hoặc đang trị bệnh.
Lưu ý: Sau khi sát trùng nước ao tôm xong, vi khuẩn sẽ nhanh chóng phát triển trở lại. Do đó, người nuôi tôm cần tạo ra quần thể ưu thế các loại vi khuẩn có lợi trước bằng cách sử dụng các sản phẩm vi sinh (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) nhằm giảm và giữ mật độ vi khuẩn gây bệnh ở mức an toàn.
Khi các ao xung quanh có dịch bệnh, môi trường ao bẩn hoặc gần thu hoạch, cần tránh dùng thuốc sát trùng có độ an toàn thấp như BKC. Đồng thời, không nên sử dụng BKC để diệt khuẩn hay cắt tảo ở tháng cuối hay gần thu hoạch để tránh dư lượng BKC trong tôm.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 17/10/2013 ,