Hiện nay, tất cả các loại sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường đều phải có nhãn theo quy định, trong đó có thông tin hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Do đó, khi dùng hóa chất xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi tôm, cần xem kỹ nội dung ghi trên bao bì.
Lưu ý
Hiện nay, tất cả các loại sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường đều phải có nhãn theo quy định, trong đó có thông tin hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Do đó, khi dùng hóa chất xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi tôm, cần xem kỹ nội dung ghi trên bao bì.
Người nuôi tôm thường sử dụng các chế phẩm sinh học để quản lý môi trường ao nuôi. Đó là các sản phẩm có chứa vi sinh vật có lợi (Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis, Nitrobacter, Nitrosomonas…) có tác dụng tiết ra các enzyme phân hủy các chất hữu cơ dưới đáy ao (thức ăn thừa, phân tôm, xác động, thực vật), làm giảm khí độc, cải thiện chất lượng nước, hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại, giảm cơ hội gây bệnh cho vật nuôi. Thời điểm sử dụng hiệu quả nhất là buổi chiều, với liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, hay có thể dùng liều cao hơn tùy thuộc từng sản phẩm và kinh nghiệm của người nuôi.
Kết hợp nhiều yếu tố khi dùng
Nông dân thường sử dụng vôi sau lần tháo rửa chất thải cuối cùng trong quá trình cải tạo ao nuôi. Tuy nhiên, cần lưu ý vôi dùng trong giai đoạn này tốt nhất là vôi nông nghiệp (CaCO3) hay đá vôi đen (CaMg(CO3)2) để tạo pH và độ kiềm thích hợp, và cũng không nên dùng vôi quá nhiều trong thời điểm này do điều này sẽ làm hạn chế tác dụng của Chlorine xử lý các mầm bệnh trong nước ao.
Nếu nước ao có độ kiềm và pH cao (độ kiềm > 80 mg/lít và pH > 8) thì không cần bón vôi trong giai đoạn này. Trong trường hợp đất ao quá phèn (pH < 5) thì sử dụng vôi tôi (Ca(OH)2) hay vôi sống (CaO) sẽ hiệu quả hơn, bởi nếu dùng vôi tôi và vôi sống để cải tạo nền đáy ao thì pH nước sẽ tăng lên đáng kể khi lấy nước vào ao, nhất là khi hệ đệm nước ao kém.
Khi sử dụng Chlorine cần chú ý các yếu tố: hàm lượng Chlorine có trong sản phẩm, pH ao nuôi, hàm lượng chất hữu cơ, độ trong của nước, ammoniac… để xác định liều lượng sử dụng thích hợp. Thông thường, nếu dùng Chlorine khử trùng đáy ao thì liều lượng 50 – 100 ppm, khử trùng nước 20 – 30 ppm.
Sử dụng Chlorine để diệt khuẩn nước và nền đáy ao thì hầu như vi khuẩn có lợi lẫn có hại đều bị tiêu diệt, dẫn đến đáy ao bị trơ và nước khó lên màu. Do đó, sau khi dùng Chlorine nên dùng các loại chế phẩm sinh học để khôi phục hệ vi sinh của đáy ao và gây màu nước.
Ngoài ra, dùng Chlorine có thể dẫn đến tình trạng tôm nuôi bị ngộ độc, nhất là trong những ngày đầu thả giống. Để tránh tình trạng này, trước khi thả tôm giống, người nuôi tôm có thể sử dụng Natri thiosulfate (Na2S2O3.5H2O) để trung hoà Chlorine với liều lượng 1 kg/1.000 m3 nước.
Thời điểm sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học cho ao tốt nhất là nhiệt độ nước ao nuôi phù hợp để vi sinh nhân khối, nhất là vào buổi chiều. Ngoài ra, khi dùng chế phẩm sinh học, cần lặp lại nhiều lần, chú ý hàm lượng ôxy hoà tan trong ao. Chú ý, trước và sau khi sử dụng chế phẩm sinh học, tuyệt đối không được dùng các hóa chất sát trùng nước.
Không nên xem các chế phẩm sinh học là “thần dược” trong nuôi tôm, mà cần thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm để có cách xử lý kịp thời, nhất là phải quản lý kỹ lượng thức ăn hằng ngày, tránh để thức ăn thừa làm ô nhiễm môi trường nước ao tôm.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 09/10/2014 ,