Thuốc diệt tạp thường có hai loại (saponin và rotenone), dùng để diệt cá tạp, giáp xác trong ao tôm giai đoạn xử lý nước đầu vụ nuôi. Việc dùng thuốc sao cho hiệu quả và an toàn cho tôm nuôi cần được chú ý.
Saponin (bã hạt trà)
Saponin là một hoạt chất có nhiều trong bã hạt trà, được dùng để diệt cá tạp trong ao nuôi tôm và chỉ gây độc đối với cá nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đối với các loài giáp xác (tôm). Saponin là một loại thực vật được xay nhỏ đóng gói và bán trên thị trường dưới dạng bột. Khi sử dụng, người nuôi chỉ việc hòa loãng vào nước té xuống ao để tiêu diệt tất cả các loại cá tạp có trong ao là địch hại của tôm.
Saponin diệt cá bằng cách ức chế hô hấp và ngăn cản quá trình vận chuyển ôxy trong máu cá. Tác dụng của saponin sau khi té xuống nước sẽ diễn ra sau 2 – 3 giờ. Loại saponin nào diệt cá chết ngay tức khắc thì chắc chắn có phối trộn hóa chất độc, sẽ rất nguy hiểm cho tôm khi thả nuôi.
Mỗi loài cá sẽ chết ở những liều lượng saponin khác nhau. Thường những loài cá vảy và cá không vảy có cơ quan hô hấp phụ (hoa khế, da, ruột, bóng hơi) thì có sức chịu đựng tốt hơn nên cần lượng saponin nhiều hơn mức bình thường.
Để sử dụng có hiệu quả, saponin cần được ngâm vào nước trước 1 ngày, sau đó lọc lấy nước và té xuống ao. Không nên té cả bã saponin xuống ao làm ô nhiễm nền đáy.
Sau khi diệt tạp từ 4 ngày trở lên mới được thả tôm, bởi dư lượng saponin trong ao có khả năng kích thích tôm lột xác và ức chế tôm hình thành vỏ mới, làm yếu tôm và gây chết tôm.
Độ mặn và nhiệt độ càng tăng thì hoạt tính độc của saponin đối với cá càng tăng theo, khả năng diệt tạp của saponin cũng tăng. Tuy nhiên, khi ở môi trường nước pH cao thì hoạt tính saponin lại giảm; do vậy khi diệt tạp cho ao cần căn cứ vào nhiệt độ và độ mặn của ao để điều chỉnh lượng thuốc diệt tạp cho hợp lý.
Nên sử dụng saponin vào sáng sớm (4 – 6 giờ), vì giai đoạn này hàm lượng ôxy hòa tan thấp nên cá tạp trong ao nhanh chết hơn các thời điểm khác trong ngày và sau đó nhiệt độ sẽ tăng dần làm cho hoạt tính của saponin tăng.
Khi diệt tạp cần tháo cạn ao tẩy dọn, sau đó tháo 1 ít nước vào ao (5 – 10 cm), để 1 – 2 ngày cho cá tạp lẩn trốn trong các hang hốc dưới đáy và bờ ao (cá rễ cau, bống, bớp…) chui ra kiếm ăn, lúc này sử dụng saponin mới hiệu quả.
Ở các độ mặn khác nhau thì có thể dùng liều lượng saponin khác nhau:
Rotenone (dây thuốc cá)
Dây thuốc cá là một loại cây được trồng nhiều ở vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… để lấy rễ. Rễ dây thuốc cá chứa hoạt chất rotenone, có tính độc với cá (máu đỏ) nhưng ít độc hơn với giáp xác (máu trắng). Rễ được phơi khô nghiền thành bột để sử dụng.
Rotenone khi bón vào nước có pH thấp (a xít) thì tác dụng diệt tạp sẽ tăng cao hơn môi trường nước có pH cao (kiềm). Rotenone dễ bị phân hủy nhanh ngay khi tiếp xúc trực tiếp ánh sáng, không khí. Ngoài ra, Rotenone trong nước dễ bị thuốc tím (KMnO4) làm mất độc tính.
Vậy, để sử dụng dây thuốc cá diệt tạp trong ao nuôi tôm có hiệu quả và tiết kiệm, cần phải tát cạn ao; sau đó để nước ở độ sâu 5 – 10 cm rồi mới dùng thuốc hòa vào nước té xuống ao. Đối với môi trường nước có tính kiềm cao, phải tăng liều lượng sử dụng rotenone so với nước ao có pH thấp. Cần bảo quản rotenone trong bao kín, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp và khi sử dụng rotenone thì không nên dùng đồng thời với thuốc tím (KMnO4) để sát trùng nước. Phải cải tạo kỹ ao nuôi tôm trước khi sử dụng và thau nước sau khi diệt tạp. Nồng độ sử dụng hiệu quả rotenone trong nước ao là 1 ppm (loại 5% nguyên chất). Hoạt chất rotenone càng mất hoạt tính khi độ mặn càng cao, vì vậy, đối với ao nước có độ mặn dưới 10‰ thì dùng rotenone. Sau khi diệt tạp, dư lượng rotenone sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe tôm; do vậy rotenone thường ít được sử dụng để diệt tạp trong ao nuôi tôm.
Ngoài hai loại thuốc diệt tạp kể trên, hiện nay người nuôi còn sử dụng một số loại hóa chất khác (như cypermethrin, dipterex, antimycin A…). Đây là những loại thuốc trừ sâu và kháng sinh tác dụng diệt tạp tốt, nhưng không nên sử dụng, bởi dư lượng của chúng sẽ gây độc cho tôm nuôi và tồn tại trong sản phẩm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 21/11/2014 ,