Hội thảo đề tài “Thử nghiệm nuôi ếch Thái Lan trong vèo kết hợp thả cá trê vàng trong ao đất ở xã Hưng Phú, huyện Phước Long”.
Ngày 08/8/2014, Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao KH&CN huyện Phước Long phối hợp cùng Phòng NN&PTNT huyện Phước Long tổ chức Hội thảo đề tài “Thử nghiệm nuôi ếch Thái Lan trong vèo kết hợp thả cá trê vàng trong ao đất ở xã Hưng Phú, huyện Phước Long” do KS. Trần Thị Loan làm chủ nhiệm đề tài và Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao KH&CN huyện Phước Long làm cơ quan chủ trì.
Tham dự Hội thảo Lãnh đạo Trung tâm TN&CG KH&CN huyện Phước Long, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Phước Long, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Phước Long, đại diện Trung tâm KN-KN Bạc Liêu, cán bộ Trạm KN-KN huyện Phước Long, huyện Vĩnh Lợi và hơn 40 đại biểu là nông dân ở 02 xã Hưng Phú và xã Vĩnh Phú Tây cùng tham dự Hội thảo.
Ếch là sản phẩm thủy sản được ưa chuộng trên thị trường trong nước và thế giới, tuy nhiên từ trước đến nay sản lượng ếch phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nguồn cung sản phẩm chưa đảm bảo, bên cạnh đó cá trê vàng lại là đối tượng thủy sản đặc sản có giá trị cao và ổn định. Diện tích ao hồ chưa sản xuất trong vùng ngọt hóa tỉnh Bạc Liêu còn khá lớn, vì vậy nghiên cứu tìm kiếm mô hình nuôi kết hợp cho hiệu quả kinh tế là rất cần thiết. Sự thành công của đề tài sẽ mang đến cho nông dân hướng đi cải tạo đất vườn tạp mới, ngoài ra còn giúp ngành chức năng bảo vệ nguồn lợi cá đồng địa phương hiệu quả hơn.
Tại Hội thảo, KS. Trần Thị Loan đã giới thiệu về những lợi ích của mô hình nuôi kết hợp ếch Thái Lan -cá trê vàng, cá trê vàng sẽ tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa của ếch, gia tăng hiệu quả kinh tế đồng thời gia tăng hiệu quả xử lý môi trường trong ao nuôi. Ngoài ra người nuôi có thể thu hoạch nhiều sản phẩm trên một đơn vị diện tích gia tăng hiệu quả kinh tế.
Để người dân có thêm thông tin kỹ thuật cho đại biểu đến tham dự Hội thảo về mô hình nuôi kết hợp, tại Hội thảo chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu kỹ thuật nuôi ếch trong vèo kết hợp thả cá trê trong ao đất như cách chuẩn bị ao nuôi, chuẩn bị vèo nuôi ếch, quy trình cải tạo ao, cách chọn con giống, mật độ thả, chăm sóc quản lý ao nuôi, cách thức thu hoạch.
Tham gia thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng đây là mô hình có hiệu quả, kết quả bước đầu rất khả quan, các đối tượng nuôi đang phát triển rất tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, đến thời điểm hiện tại (khoảng 2 tháng sau khi nuôi) tỷ lệ ếch hao hụt khoảng 6% và tỷ lệ cá trê hao hụt khoảng 8,5%.
Tuy nhiên để mô hình đạt hiệu quả cao, đại biểu tham gia vào mô hình sản xuất đã đề xuất ý kiến khi chọn ao nuôi cần phải có điều kiện thuận lợi về đường dẫn nước vì trong quá trình nuôi cách khoảng 5 ngày phải thay nước cho ao nuôi 1 lần, thức ăn cho cá trê cần phải đủ độ đạm. Ngoài ra các ý kiến thảo luận cho rằng nếu sản xuất mô hình theo quy mô lớn thì có đảm bảo các yếu tố đầu vào (con giống, thức ăn…), đầu ra (thị trường tiêu thụ) hay không, bên cạnh đó kỹ thuật nuôi ếch tương đối khó do ếch gặp nhiều bệnh và phổ biến nhất là mù mắt và chướng hơi.
Kết thúc buổi Hội thảo, cán bộ kỹ thuật, chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì giải đáp các vấn đề thảo luận của các đại biểu về kỹ thuật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa và chữa trị bệnh ếch và cá trê vàng để các đại biểu hiểu thêm về mô hình nuôi kết hợp. Đồng thời, cơ quan chủ trì đề tài đã kết luận mô hình nuôi kết hợp ếch và cá trê vàng bước đầu cho thấy hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, kiến nghị với Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng sản xuất mô hình trong thời gian tới.
Theo Sở KH&CN Bạc Liêu, 19/08/2014 ,