Năm 2014, việc nuôi hàu thương phẩm ở 2 xã Thừa Đức và Thới Thuận, huyện Bình Đại đã phát triển thành phong trào. Nhiều hộ dân đã chuyển đất nuôi sò sang nuôi hàu, hy vọng có lợi nhuận cao.
Con hàu thay thế con sò
Ông Nguyễn Văn Rừng, 46 tuổi, ở ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức, lâm nợ với vụ sò huyết. Nguyên nhân do thời tiết thất thường, tại địa phương, sò giống thiên nhiên khan hiếm, sò giống mua ở nơi khác về nuôi không hiệu quả. Năm 2013, ông Rừng chuyển sang nuôi hàu thương phẩm, với diện tích khá khiêm tốn. Ông Rừng nói: “Vốn liếng thiếu hụt, thị trường tiêu thụ hàu thương phẩm chưa rõ ràng, tôi chưa dám đầu tư nuôi quy mô lớn. Tận dụng 35 m2 diện tích lòng rạch, tôi mua 1 tấn tôn vụn làm giàn rồi cứ như bỏ liều. Nào ngờ, hàu thiên nhiên bám vào tôn và ăn thực vật phù du có trong nguồn nước mà phát triển. 7 tháng sau, tôi thu hoạch hàu thương phẩm, bán được 40 triệu đồng”. Ông Rừng nói tiếp: “Nuôi hàu đơn giản lắm! Mình có thể chọn hình thức như nuôi giàn, nuôi bè và nuôi lồng. Tôi và nhiều bà con ở đây chọn hình thức nuôi giàn vì kỹ thuật nuôi đơn giản và chi phí thấp nhất. Chọn vị trí nuôi có lưu lượng nước chảy, lớn, ròng ổn định, tránh đặt giàn ở những nơi có nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt; giăng dây thành giàn và chọn vật bám treo lên giàn như: tôn vụng, tấm xi-măng, gạch ống… Một giàn nuôi được thiết kế diện tích từ 30 – 50m2 và sử dụng từ 1 – 2 tấn vật bám, chỉ vậy là cuối vụ có thể lãi hàng chục triệu đồng”.
Theo ông Rừng, hàu giống thiên nhiên khá dồi dào, làm giàn rồi thả vật bám xuống khoảng 1 tháng thì có hàu con xuất hiện. Năm 2014, ông mở rộng diện tích nuôi hàu thương phẩm lên gấp đôi. Hàu giống bám vào giàn từ 7-9 tháng, kích cỡ từ 3 – 5 con/kg. Người nuôi lựa chọn những con trưởng thành bắt bán cho thương lái. Cứ như thế, chỉ cần thả vật bám 1 lần, có thể thu hoạch hàu đến khi thay giàn mới. Nuôi hàu thương phẩm không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Người nuôi có thể làm thêm những công việc khác.
Ông Bùi Văn Sị, 56 tuổi, có giàn nuôi hàu thương phẩm cạnh ông Rừng phấn khởi: “Tôi thấy nuôi con sò huyết không xong, bởi cứ liên tục thua lỗ. Năm 2012, khi thủy triều rút xuống, tôi thấy hàu thiên nhiên bám đầy vào các vật dụng nằm dưới kênh, rạch. Tôi thả 500kg vật bám bằng fibro xi-măng trên 1 giàn. Vài tháng sau, hàu đạt kích cỡ, bắt bán được hơn 10 triệu đồng. Nhiều bà con ở đây cũng thành công như tôi. Rồi tôi và nhiều hộ nuôi hàu được UBND xã Thừa Đức tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi hàu và tham quan mô hình nuôi hàu thương phẩm tại TP. Cần Thơ. Thế là mọi người không còn hoài nghi, mạnh dạn chuyển đất nuôi sò huyết sang đầu tư nuôi hàu thương phẩm. Hiện hàu nuôi bắt đầu thu hoạch, cho lợi nhuận rai rai”.
Mô hình mới, đầy triển vọng
Một giàn nuôi, thu hoạch từ 1 – 2 tấn hàu thương phẩm/năm. Hiện thương lái thu mua hàu thương phẩm với giá trên 20 ngàn đồng/kg. Mỗi giàn nuôi đem lại cho hộ dân lãi ít nhất 30 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Hoàng Long – Chủ tịch UBND xã Thừa Đức cho biết: Năm 2014, nuôi hàu thương phẩm phát triển trở thành phong trào, bước đầu đã giúp cho bà con vùng ven biển phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Đây cũng là mô hình thích hợp để nhân rộng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hướng tới, xã tiếp tục phối hợp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc hàu để người nuôi được lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, ông Long vẫn trăn trở: Thị trường hàu thương phẩm vẫn chưa thật sự rõ ràng, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái “đánh lẻ”. Nuôi hàu trở thành phong trào, diện tích nuôi và sản lượng hàu thương phẩm tăng thì có nguy cơ “trúng mùa, mất giá”. Bên cạnh đó, các chính sách, nguồn vốn vay hỗ trợ người nuôi hàu vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo Kỹ sư Lê Văn La – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, hàu có khả năng chịu mặn, chịu lạnh cao và thích hợp trong nhiều môi trường khác nhau. Việc nuôi hàu chỉ theo quy trình tự nhiên, không cần sử dụng các loại hóa chất nên đảm bảo nguồn sản phẩm sạch cho thị trường. Đây là ưu thế cạnh tranh trong xu hướng thị trường tiêu dùng hiện nay.
Theo Báo Đồng Khởi, 19/11/2014 ,