Bệnh mới trên tôm và cách phòng trị

Sau dịch bệnh gan tụy cấp, đốm trắng, phân trắng làm người nuôi tôm điêu đứng, nay lại xuất hiện bệnh mới, nếu không phát hiện kịp thời người nuôi tôm có thể bị thiệt hại nặng.

Bệnh mới, đã phổ biến

Anh Ba Nguyên ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cho biết, vừa qua ao nuôi tôm 2.500 ha của gia đình anh có dấu hiệu lạ. Màu tôm chuyển sang hồng, thân mềm và bỏ ăn. Trước dấu hiệu trên, anh chia sẻ với nhiều người nhưng đến nay vẫn chưa hiểu rõ căn bệnh này.

Ông Diệp Thành Công, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cho biết, bệnh này đã phát hiện 2 năm nay và gây thiệt hại rất lớn. Khi phát hiện bệnh khoảng 2 – 3 ngày, tôm có thể chết hàng loạt.

Huyện đã báo cáo lên trên, đang chờ kết quả nghiên cứu, tuy nhiên vẫn chưa có nguyên nhân chính thức nào được đưa ra. Căn bệnh này khá phổ biến, chiếm khoảng 40% diện tích thả nuôi trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau cho biết, diện tích nuôi tôm công nghiệp của TP Cà Mau đang thả nuôi trên 700 ha và có khoảng 30 – 40% diện tích bị dịch bệnh. Trong đó, dấu hiệu bệnh như trên chiếm phần lớn. Bệnh này khi mới chớm rất khó phát hiện.

Dấu hiệu bệnh

Với những nghiên cứu thực tế, ông Nguyễn Ngọc Thạnh, GĐ Cty Mega cho biết: “Qua những dấu hiệu kịp thời phát hiện bệnh, chúng tôi đưa ra phương pháp để giải quyết dứt điểm bệnh này. Tôi gọi đó là bệnh viêm ruột cấp”.

Dấu hiệu bệnh lý: Trước khi xuất hiện dấu hiệu bệnh lý 3 – 5 ngày, tôm ăn tăng bất thường. Sau đó tôm đột ngột giảm ăn hoặc bỏ ăn. Tôm giảm linh hoạt, một số nổi lên mặt nước và đeo theo những giàn quạt nước, dạt bờ và bắt đầu chết rải rác.

Bắt tôm quan sát, nếu tôm bị bệnh thì thấy một số triệu chứng sau: Nếu bệnh nhẹ thì đường ruột tôm có màu hơi nâu và không thể hiện màu thức ăn. Nếu nặng thì đường ruột trống và có màu nâu đỏ. Bao tử, gan có màu đỏ. Tôm chậm lớn, giảm cân, thân tôm teo tóp và có màu đỏ hơi hồng. Vỏ tôm mềm.

Các yếu tố môi trường của ao nuôi khi tôm nhiễm bệnh: Khi tôm bắt đầu nhiễm bệnh thì kiềm bắt đầu tăng cao, có những ao kiềm có thể trên 300 mg/lít (đặc biệt tôm vẫn bị mềm vỏ và không lột xác được).

Hàm lượng Nitric tăng cao quá mức kiểm soát. Nước có màu xanh đậm và khó điều chỉnh mật độ tảo. Từ những dấu hiệu nhận biết trên, khi phát hiện tôm nhiễm bệnh, người nuôi có thể áp dụng cách xử lý dưới đây để điều trị dứt điểm.

Phương pháp xử lý

Khi phát hiện tôm bị nhiễm bệnh viêm ruột cấp, ta cắt cử không cho tôm ăn từ 2 – 5 ngày tùy theo mức độ nặng nhẹ. Kiểm tra tôm có thể bắt mồi lại thì tiến hành điều trị.

Chú ý, trong thời gian cắt cử không cho ăn, tiến hành hạ hàm lượng Nitric (NO2-) bằng CARBOXY NEW với liều lượng 3 – 6 kg/1.000 m3 tùy theo mức hàm lượng Nitric. Khi bắt đầu điều trị, giảm lượng thức ăn so với bình thường từ 50 – 70%, đồng thời giảm cỡ thức ăn để tăng khả năng nhiều tôm bắt mồi.

Từ ngày 1 đến ngày thứ 5: Bổ sung các cữ trong ngày. Bổ sung ANTI MOS NEW 10 gr/kg thức ăn. Bổ sung MEGAZYME 5 gr/kg thức ăn. Bổ sung MIX ONE 10 gr/kg thức ăn. Sử dụng MENOL 10 ml/kg thức ăn.

Từ ngày thứ 6 trở đi: Bổ sung các cữ trong ngày. Bổ sung ANTI MOS NEW 10 gr/kg thức ăn. Bổ sung MEGAZYME 5 gr/kg thức ăn. Bổ sung MEGA VITACALCI 50 gr/kg thức ăn. Bổ sung GROW MIN 3 gr/kg thức ăn.

Ngay ngày thứ 6 xử lý VIABA theo liều hướng dẫn để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh bên ngoài môi trường.

Ngày thứ 8 xử lý M5 để diệt vi khuẩn cơ hội gây bệnh cho tôm. Khi tôm bắt đầu lột xác đồng đều, đường ruột ổn định, kiềm bắt đầu hạ là tôm sẽ khỏe mạnh bình thường.

Vừa qua, ao nuôi tôm thẻ chân trắng được gần 30 ngày tuổi của một hộ dân ở xã Hòa Tân, TP.Cà Mau đã bị nhiễm căn bệnh trên, Cty Mega đã đến hợp đồng điều trị, sau 6 ngày điều trị bệnh đã được chặn đứng và thuyên giảm.

Đến nay, tôm đã được 58 ngày, trọng lượng tôm hiện khoảng 100 con/kg, tôm phát triển tốt, tất cả các dấu hiệu bệnh đã được ngăn chặn.

Anh Út Lam, ấp Hiệp Vịnh, xã An Trạch, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), tôm nuôi được 46 ngày tuổi, có dấu hiệu bị bệnh phân trắng và có dấu hiệu đỏ thân đúng như các dấu hiệu bệnh viêm ruột cấp, anh đã thỏa thuận để kỹ sư của Cty Mega dùng phương pháp và sản phẩm của Cty điều trị tại ao nuôi trên diện tích 1.500 m2.

Anh Lam cho biết, sau 3 ngày điều trị bệnh đã hết và khỏi hẳn sau 9 ngày. Tuy nhiên, sau đó tôm lớn chậm, môi trường bị ô nhiễm, độ mặn quá cao nên anh đã thu hoạch, cũng may không lỗ. Không có phương pháp điều trị của Cty Mega có thể anh đã mất trắng ao nuôi này.

Bằng phương pháp trên, Cty Mega đã điều trị bệnh tôm cho rất nhiều bà con ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh. Hướng phát triển của Cty Mega sẽ phổ biến phương pháp trên ra các tỉnh vùng ĐBSCL để giúp người nuôi tôm.

Theo Trần Hiếu, Báo Nông nghiệp Việt Nam, 19/06/2015

2 bình luận trong “Bệnh mới trên tôm và cách phòng trị”

Ý kiến của bạn