Trong nuôi thuỷ sản nước lợ, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực tại Bình Thuận. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh. Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm đang trên đà thu hẹp dần, nhường chỗ cho các ngành nghề khác như: du lịch, phát triển dân cư, v.v,.
Diện nuôi tôm toàn tỉnh từ 1600 ha (năm 2003), thì đến năm 2010 chỉ còn 762 ha; và theo quy hoạch tại Quyết định số 2662/QĐ-UBBT của UBND tỉnh Bình Thuận ngày 12/12/2011, thì đến năm 2015 (và giữ ổn định đến năm 2020) diện tích nuôi tôm chỉ còn lại 455 ha, tập trung chủ lực tại các huyện Tuy Phong (gồm xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể), Bắc Bình (khu vực dọc sông Đồng và sông Lũy) và thị xã La Gi (xã Tân Hải). Tuy diện tích giảm đáng kể (giảm hơn 40% so với năm 2010), nhưng sản lượng lại gần như không thay đổi. Năm 2010 sản lượng đạt 12.508 tấn, năm 2015 sản lượng dự kiến (theo quy hoạch) đạt 12.240 tấn. Hiện nay sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh đã đạt khoảng 11.500 tấn, vượt 23,7% kế hoạch năm.
Không như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mỗi tỉnh có hàng 100 ngàn ha nuôi tôm, nên có thể lựa chọn nhiều hình thức nuôi bền vững, phù hợp với điều kiện từng địa phương: quảng canh, bán thâm canh cải tiến hoặc kết hợp nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Bình Thuận có một diện tích nuôi khá nhỏ nhưng lại phải đạt năng suất, sản lượng cao nên người nuôi tôm Bình Thuận trong nhiều năm qua gần như không có sự lực chọn công nghệ nào khác là nuôi tôm công nghiệp, đầu tư theo “chiều sâu”, chọn những công nghệ nuôi tiên tiến để áp dụng, như: nuôi trải bạt nền đáy, nuôi tôm trong nhà kín, biofloc, lọc tuần hoàn,… Đặc thù chung của những công nghệ này là tôm được thả nuôi với mật độ cao, các yếu tố môi trường được kiểm soát, khống chế; chất thải của tôm trong quá trình nuôi được xử lý triệt để, không ảnh hưởng đến môi trường nước ao nuôi và xung quanh. Tuy nhiên, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao và người nuôi phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức.
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Tỉnh là cơ quan tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ KHKT áp dụng vào thực tế sản xuất. Từ đầu năm 2012, Trung tâm đã nghiên cứu và ứng dụng thành công mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ bán biofloc tại 3 huyện là Bắc Bình, Tuy Phong và La Gi. Thành công của chương trình này đã mở ra hướng đi mới, ổn định hơn cho nghề nuôi tôm công nghiệp tại Bình Thuận. Đến nay đã có khoảng 70% diện tích nuôi tôm trong tỉnh đủ điều kiện ứng dụng quy trình này. Theo số liệu thống kê, hoạch toán kinh tế kỹ thuật của Phòng Khuyến ngư (thuộc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Tỉnh), tính bình quân chung trong một vụ nuôi tôm (3 tháng), thì hiệu quả kinh tế tính trên một ha nuôi tôm theo quy trình bán biofloc cao hơn so với nuôi tôm thâm canh truyền thống khoảng 70 triệu đồng:
Nội dung Hoạch toán | Nuôi thâm canh truyền thống | Áp dụng công nghệ bán biofloc | Ghi chú |
Số công lao động | 4 người (4 người x 4 trđ/tháng x 3 tháng = 48 trđ) | 3 người (3 người x 4 trđ/tháng x 3 tháng = 36 trđ) | Lương công nhân bình quân là 4 tr.đ/người/tháng |
Hệ số chuyển đổi thức ăn (tỷ lệ giữa tổng lượng thức ăn và tổng lượng tôm thu được) | 1.2 (13.200 kg x 33.000đ/kg = 435.600) | 1.1 (12.650 kg x 33.000đ/kg = 417.450) | |
Chi phí năng lượng (chạy quạt, sục khí,…) | 40 triệu | 50 triệu | |
Thuốc hóa chất(xử lý nước, cải tạo ao,…) | 40 triệu | 30 triệu | |
Cung cấp nguồn carbon (mật rĩ đường, cám gạo, bột đậu nành…) | Không sử dụng | 10 triệu | |
Tổng chi phí | 563 tr.đ | 543 tr.đ | |
Năng suất bình quân | 11 tấn/ha | 11,5 tấn/ha | Giá bán tính bình quân 100.000đ/kg x sản lượng |
Sản lượng | 11 tấn | 11,5 tấn | |
Tổng lợi nhuận(doanh thu – chi phí) | 1.100 – 563 = 537 tr.đ | 1.150 – 543 = 607 tr.đ |
Tiếp nối thành công của mô hình nuôi tôm bán biofloc, trong năm 2013 và 2014 Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Tỉnh tiếp tục hoàn thiện quy trình để phổ biến nhân rộng, đồng thời thực hiện tiếp các mô hình trong chuỗi nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao như mô hình hỗ trợ hệ thống thổi khí ao tôm, nuôi tôm nhà kín qua 2 giai đoạn (ương trong nhà kín với mật độ dày và chuyển sang ao nuôi tôm công nghiệp với mật độ thưa). Trung tâm cũng tổ chức nhiều chuyến tham quan học tập, hội thảo chuyên đề và cử cán bộ tư vấn trực tiếp tại các vùng nuôi tôm trọng điểm. Nhờ đó nhiều công nghệ tiên tiến đã được người dân nuôi tôm Bình Thuận áp dụng, nhất là công tác quản lý môi trường, chăm sóc sức khỏe tôm nuôi theo hướng sinh học, hạn chế bệnh trên tôm, giảm thiểu việc sử dụng thuốc, hóa chất gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi; góp phần lan tỏa hiệu ứng “nuôi tôm sạch”, loại bỏ các thói quen nuôi tôm lạm dụng thuốc, hóa chất và hủy hoại môi trường trong cộng đồng người nuôi tôm.
Được biết năm 2015 Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng sản phẩm tôm nuôi tại Bình Thuận với mô hình nuôi tôm VietGAP và phối hợp tổ chức đánh giá chứng nhận cho cơ sở đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tạo sản phẩm có thương hiệu chất lượng cao phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu. Mặt khác Trung tâm cũng đang chuẩn bị nhân lực, cơ sở hạ tầng để thực hiện thành công đề tài “Ứng dụng và hoàn thiện công nghệ sản xuất giống tôm thẻ chân trắng theo hướng ứng dụng công nghệ cao” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3044/QĐ-UBND ngày 15/9/2014.
Việc các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn tích cực nghiên cứu đổi mới công nghệ trong khâu sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch và bảo quản,… đã giúp người dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và không gây tổn hại tới môi trường là vấn đề quan trọng.
Song, thực tế người nuôi tôm cũng không ít lần thua lỗ vì thương trường ép giá lẫn dịch bệnh bùng phát. Nên việc thực hiện liên kết “bốn nhà”, chuỗi sản xuất, chất lượng con giống, chứng nhận VIETGAP của Việt Nam được các thị trường nhập khẩu tin tưởng thừa nhận ngang bằng với các loại tiêu chuẩn quốc tế uy tín khác là việc còn nhiều khó khăn, thách thức mà người nuôi tôm, doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn của tỉnh, ngành phải đối diện để tôm thẻ chân trắng phát triển ổn định, bền vững.
Theo Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Bình Thuận ,