Nhiều loại thủy hải sản cao cấp dành riêng để xuất khẩu đã quay lại thị trường trong nước với số lượng ngày càng tăng.
Sau thời gian dài tập trung cho xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã chú trọng vào thị trường trong nước, họ còn lập cả một câu lạc bộ để tập trung khai thác thị trường nội địa.
Chi thêm tiền mua hàng tiêu chuẩn Âu, Mỹ
Khoảng nửa năm trở lại đây, mỗi khi muốn ăn cá tra là chị Nguyễn Ánh Tuyết (quận Bình Thạnh) lại ghé qua cửa hàng thực phẩm trên đường Thảo Điền (quận 2) để mua, còn khi nhà làm món mực ống thì chị phải đến cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) chứ không mua ở nơi khác.
Điểm chung của hai sản phẩm nói trên là được làm ra không phải để bán cho thị trường trong nước mà xuất khẩu sang EU.
“Đầu tiên tôi chọn mua bởi chúng có chứng nhận xuất khẩu vào EU, nhưng sau khi dùng thử thấy chất lượng ngon hơn hẳn hàng trong nước nên chuyển qua dùng luôn” – chị Tuyết cho biết.
Chị Tuyết cho hay đã từng xuống An Giang xem người ta nuôi cá tra, ba sa bằng thức ăn công nghiệp với mật độ rất dày. Mỗi khi cho ăn chỉ một khoảng nước nhỏ mà có tới hàng ngàn con cá chen chúc tranh nhau ăn. “Nhìn thì thích mắt thật nhưng chất lượng sẽ không ngon vì nuôi công nghiệp quá. Trong khi cá tra ở đây có chứng nhận hữu cơ của Đức nên tôi yên tâm về chất lượng” – chị Tuyết nói.
Tương tự, chị Trần Lan Hương (quận 10) chọn mua các loại cá ngừ, cá hồi của một thương hiệu hải sản mới ra mắt mà nguồn cung cấp là một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hải sản tại Khánh Hòa. Dù là hàng xuất khẩu nhưng giá bán các sản phẩm tại đây không quá cao, dao động 200.000-400.000 đồng/kg.
“Hàng đông lạnh nhưng chỉ cần rã đông là chế biến được ngay mà vẫn tươi ngon. Một số loại cá thì cửa hàng đã cắt lát mỏng, chỉ cần để nhiệt độ thường 5-10 phút là dùng được” – chị Hương cho biết.
Nâng tiêu chuẩn
Trước thông tin liên tiếp về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính hơn trong việc chọn các loại thực phẩm hằng ngày. Nhiều người tiêu dùng mất niềm tin vào thực phẩm trong nước đã chọn mua các loại thực phẩm nhập khẩu, hoặc thực phẩm trong nước chuyên dành cho xuất khẩu.
Đáp ứng nhu cầu này, ngày càng nhiều công ty đưa các sản phẩm đủ tiêu chuẩn vào các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, EU ra thị trường trong nước. Tất cả sản phẩm này có đặc điểm chung là chế biến theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu và hàng được cấp đông.
Sản phẩm cao cấp chủ yếu được bán tại các cửa hàng chuyên doanh hải sản hoặc thực phẩm cao cấp với giá cao hơn 1,5-2 lần so với giá sản phẩm nội địa cùng loại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại cá tra phi lê bán tại quận 2 được chị Tuyết và nhiều người tiêu dùng khác quan tâm hiện có giá xấp xỉ 340.000 đồng/kg, do một công ty của Đức đầu tư nuôi tại An Giang.
Sản phẩm cá tra này có chứng nhận sinh thái do Naturland (Đức) cấp, chủ yếu để xuất khẩu sang Đức và các nước châu Âu khác. Ngay tại EU, những sản phẩm có được chứng nhận này không nhiều và được đánh giá cao cấp, đắt hơn nhiều so với thực phẩm thông thường.
Còn loại mực ống đông lạnh bán ở cửa hàng thực phẩm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) có nguồn gốc từ một công ty ở Bình Thuận, chuyên xuất khẩu vào Ý và Tây Ban Nha. Giá bán loại mực này ở mức 370.000 đồng/kg loại 1 (3-4 con/kg). So với giá các loại cá này bán ngoài thị trường, giá sản phẩm xuất khẩu đắt hơn 1,5-2 lần.
Nhiều lựa chọn
Để đẩy mạnh việc đưa hàng thủy sản từ các nhà xuất khẩu vào thị trường nội địa, tháng 8-2014 Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản VN (Vietfish) do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tổ chức tại TP.HCM đã có gian hàng chung cho thị trường nội địa lần đầu tiên sau 16 lần tổ chức. Trong đó phải kể đến câu lạc bộ cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa thuộc VASEP.
Ngoài hàng tươi sống đông lạnh cao cấp, nhiều doanh nghiệp ngành chế biến hải sản khác cũng đang tập trung phát triển thị trường nội địa với phân khúc thấp hơn là đưa vào các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, phụ trách kinh doanh của Công ty An Tuấn (Bình Thuận), định hướng của công ty là làm hàng xuất khẩu vào châu Âu nên hơn sáu năm qua không có ý định đưa hàng ra thị trường nội địa. Nhưng thời gian gần đây, một số nhà hàng chuyên đồ ăn Nhật tại VN đã thử và chấp nhận dùng các sản phẩm của công ty.
Ngoài ra, một vài cửa hàng thực phẩm cao cấp tại TP.HCM cũng lấy sản phẩm này để bán và bước đầu nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. “Chúng tôi vẫn tập trung phần lớn cho xuất khẩu nhưng cũng sẽ quan tâm hơn đến thị trường nội địa trong thời gian tới” – ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho hay người tiêu dùng trong nước cứ nghĩ cá tươi ngoài chợ mới ngon nhưng thực tế không phải như vậy. Đa số cá tươi mà người tiêu dùng thấy ngoài chợ thật ra đã không còn tươi nữa, mà đã được bảo quản theo nhiều cách khác nhau nên chất lượng và hương vị không bằng sản phẩm cấp đông ngay trên tàu.
Trong khi hàng xuất khẩu như mực, cá ngừ đều khai thác tự nhiên được cấp đông ngay trên tàu khai thác hải sản nên giữ được hương vị tươi ngon. Nhà máy chế biến của công ty cũng đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường như HACCP được EU chứng nhận và cấp mã số để xuất khẩu vào thị trường này.
Trong khi đó, bà Hoàng Hải Yến, đại diện Công ty Vua Biển, cho hay ngày càng nhiều khách hàng quan tâm hơn đến các sản phẩm hải sản chất lượng cao. Do đó công ty đã liên kết với một nhà máy chuyên sản xuất hải sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ để có các sản phẩm cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá kiếm… bán tại VN.
Ban đầu công ty chọn phân khúc nhà hàng và mở showroom giới thiệu sản phẩm tại các thành phố lớn. Sau hơn một năm hoạt động, hiện thương hiệu Vua Biển đã có mặt trên 20 tỉnh thành ở cả ba miền.
“Giá cả của chúng tôi không quá cao với hàng trong nước trong khi chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp, nên sau thời gian dùng thử khách hàng đã chấp nhận và dùng với số lượng ngày càng tăng” – bà Yến nói.
Chú ý khâu tư vấn dùng sản phẩm
Theo bà Yến, khi mới chuyển sang kinh doanh hải sản đông lạnh thì công tác tư vấn cho khách hàng là quan trọng nhất.
“Không dễ để thay đổi tâm lý dùng hàng tươi sang đông lạnh. Vì vậy, chúng tôi đã chế biến, đóng gói phù hợp và tiện dụng để khách hàng rã đông là nấu ăn được ngay. Hơn nữa, nhân viên bán hàng phải tư vấn kỹ cho khách hàng về cách bảo quản, chế biến. Còn lại, chất lượng hải sản sẽ quyết định khách hàng có quay lại hay không” – bà Yến cho biết.
Câu lạc bộ cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa hiện có 26 thành viên với hàng trăm sản phẩm khác nhau từ tươi sống như cá tra, ba sa, tôm, cá ngừ, mực… đến các mặt hàng chế biến, hàng giá trị gia tăng như tôm tẩm bột, hải sản tẩm bột, chả cá ba sa, cá viên, tôm viên…
Bà Nguyễn Thu Sắc – giám đốc Công ty hải sản Hải Nam (Bình Thuận), chủ tịch Ủy ban hải sản VASEP – cho hay việc thành lập CLB này cho thấy sau nhiều năm tập trung vào xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp thủy sản VN đã bắt đầu nhận ra được tầm quan trọng cũng như tiềm năng thị trường nội địa.
“Hàng hóa doanh nghiệp đã sẵn sàng, phản ứng của người tiêu dùng là tích cực nhưng còn khó là các điều kiện của nhà sản xuất và nhà bán lẻ nhiều khi chưa gặp nhau” – bà Sắc nói.
Theo Tuổi Trẻ, 26/10/2014 ,