Chiếm hơn 90% thị phần xuất khẩu và đóng góp khoảng 73% sản lượng cá da trơn thế giới nhưng chưa bao giờ cá tra của Việt Nam lại đối mặt với muôn vàn khó khăn như giai đoạn hiện nay.
Sau thời gian dài sụt giảm, đến tháng 8, tháng 9 giá cá tra đã tăng từ 1.500 – 2.000 đồng/kg so với giá đáy tháng 6/2014. Hiện giá cá tra nguyên liệu được các doanh nghiệp thu mua dao động ở mức 21.000 – 22.000 đồng/kg. Nhưng nếu so sánh với giá thành sản xuất, người nuôi vẫn lỗ từ 1.500 – 2.000 đồng/ kg.
Dù giá cả khởi sắc nhưng người nuôi cá tra vẫn đang đối mặt với thua lỗ.
Do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp, người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian nuôi đã dẫn đến tình trạng cá không đạt kích cỡ khi thu hoạch, ảnh hưởng đến giá bán ra. Khảo sát của ngành chức năng, đến nay, sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm 2013. Điều đáng quan tâm là tuy diện tích nuôi cá tra của nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang… đều tăng, nhưng sản lượng lại giảm từ 5 – 10%.
“Tổ chức lại quy hoạch nuôi, sản xuất và xuất khẩu cá tra đã trở thành yêu cầu bức thiết, đặt ra từ nhiều năm nay. Đây là thời điểm Bộ kết hợp với các ngành liên quan quyết tâm thực hiện”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, chăn nuôi cá tra phát triển quá nóng vượt tầm kiểm soát đã gây ra nhiều tác động tiêu cực. Hiện nuôi cá tra đang có sự phân hóa mạnh, chỉ những hộ có tiềm lực kinh tế hoặc những doanh nghiệp lớn duy trì sản xuất nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí cao, quản lý nuôi lỏng lẻo…”. Trong khi đó, do các rào cản kỹ thuật và thuế chống bán phá giá, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang hai thị trường Mỹ và Nga trong năm 2014 sẽ giảm. Cụ thể, thị phần của thị trường Mỹ đến nay đã giảm xuống chỉ còn 18% so với mức 24% của cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu sang Nga liên tục sụt giảm và đã không còn nằm trong tốp 8 thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam…”, ông Hòe cho biết thêm.
Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, nuôi cá tra ở Việt Nam được đánh giá có ưu thế vượt trội. Tuy nhiên, liên kết trong ngành lỏng lẻo, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, uy tín của thương hiệu cá tra Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành, nghề nuôi cá tra bấp bênh còn do quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ đang dẫn đến tình trạng mất cân đối cung – cầu. Trong thời gian dài, việc đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nghề nuôi, nghiên cứu khoa học nhằm thay đổi công nghệ sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức… Hiện nay, tiềm năng mở rộng diện tích và sản lượng nuôi cá tra của Việt Nam không còn nhiều như thời gian trước. Vì vậy, thay vì chạy theo sản lượng và mở rộng diện tích, ngành chức năng cần tập trung vào những giải pháp nâng cao chất lượng và tính bền vững của con cá tra.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn khẳng định sẽ quản lý ngành hàng cá tra theo chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất đến đầu ra sản phẩm xuất khẩu. Theo đó, sẽ quy hoạch lại địa điểm và diện tích nuôi cá tra phù hợp, phấn đấu đến cuối năm 2015 các cơ sở nuôi cá tra phải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Cá tra Việt Nam và khi hiệp hội xác nhận thì cơ quan hải quan mới chấp nhận cho lô hàng xuất khẩu. Tất cả các khâu nuôi, sản xuất và xuất khẩu cá tra đều có những điều kiện quy định về tiêu chuẩn và có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Báo Tin Tức, 04/09/2014 ,