Chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi tôm: Cần nhìn từ thực tiễn

Bao năm gắn bó với con tôm với hy vọng đổi thay cuộc sống gia đình, không ít nông dân Cà Mau trở thành tỷ phú, cũng không ít người phải bán đất, làm thuê kiếm sống. Nguyên nhân được nhiều người nuôi tôm thành công đúc kết là yếu tố kỹ thuật đóng vai trò then chốt.

Từ khi mới chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, người nuôi tôm từ kỹ thuật thô sơ, làm theo kinh nghiệm là chính, nhưng đa số hộ đều thành công bởi môi trường nuôi chưa ô nhiễm, chưa có các loại dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay. Hiệu quả, lợi nhuận mang lại từ nuôi tôm này dẫn đến phong trào nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT), nuôi tôm công nghiệp (NTCN) phát triển nhanh và ồ ạt. Tuy nhiên, những nơi khó khăn về điện, đường và kỹ thuật nuôi không bảo đảm thì tỷ lệ thành công không cao. Ðiều này cho thấy, quy trình và kỹ thuật nuôi là điều kiện vô cùng cần thiết.

Thực trạng

Ông Nguyễn Tấn Sỹ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mương Ðường, xã Tạ An Khương, bộc bạch: “Phương pháp nuôi tôm của tôi chủ yếu là phơi đầm, bón vôi, thả tôm giống và định kỳ bắt tôm hằng tháng. Ðó là những gì học được từ 4 lớp tập huấn. Thế nhưng, rủi ro vẫn còn, thu nhập chưa bền vững, chưa thể lấy sổ đỏ về nhà”.


Ông Ngô Thanh Thức đang thu hoạch tôm nuôi từ lớp học tại hiện trường cho năng suất trên 600 kg/ha.

Anh Trịnh Văn Ghi, ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, là một trong những hộ thực hiện NTCN từ kinh nghiệm của bản thân và học hỏi từ anh em đi trước. Dù anh có được tham dự các cuộc hội thảo chuyển giao kỹ thuật nhưng chưa thật sự làm chủ quy trình, kỹ thuật trước thời tiết, môi trường nuôi ngày càng khắc nghiệt như hiện nay.

Anh Ghi cho biết: “Những vụ đầu môi trường còn tốt nên nuôi thành công. Nhưng càng về sau, môi trường ô nhiễm, kéo theo dịch bệnh… nên kinh nghiệm chưa đủ để mang lại hiệu quả, do đó hiện nay anh em NTCN đang gặp khó, gần như phá huề hoặc lỗ”.

Ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, nhận định: “Cách chuyển giao kỹ thuật đã qua mang tính chất một chiều, áp đặt người nghe, không khai thác được những ý kiến, kinh nghiệm hay. Từ đó, làm cho người nuôi tôm không hiểu được chiều sâu, việc áp dụng kỹ thuật còn hạn chế nên kết quả không như mong muốn…”.

Bên cạnh đó, các loại dụng cụ hỗ trợ tập huấn cho người dân thiếu, năng lực của đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp tại cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khi diện tích nuôi tôm ngày càng tăng, dịch bệnh ngày càng phức tạp, cũng gây khó khăn cho người nuôi tôm.

Kỹ thuật bám rễ hiện trường

Nghe thông tin có lớp học chuyển giao kỹ thuật tại hiện trường trên loại hình QCCT trong ấp, ông Ngô Thanh Thức mừng thầm trong bụng, vội vàng đăng ký làm điểm trình diễn mô hình này để được “tai nghe, mắt thấy và tự tay mình làm”. Các tiêu chí thực hiện của cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư đưa ra ông đều đáp ứng và được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, vật tư, thuốc, hoá chất, thế là mô hình đã thành công.

Ông Thức phấn khởi: “Ðây là lớp học tại hiện trường vừa học lý thuyết và kết hợp với thực hành, được giảng viên hướng dẫn tận tình nên dễ hiểu và dễ áp dụng, cùng việc ghi chép các diễn biến của yếu tố môi trường tại hiện trường nên tôi sẽ có kinh nghiệm sản xuất vụ sau. Không chỉ riêng bản thân tôi mà cả 30 anh em tham gia cùng với những hộ liền kề trong mô hình cũng thực hiện thành công nhờ lớp học này”.

Ðây là cách chuyển giao kỹ thuật trên mô hình cụ thể, có dụng cụ, thiết bị hướng dẫn cho người dân sử dụng và giúp người dân tự mình nhận định, phân tích, xử lý được vấn đề và dự đoán được vấn đề đó. Ðó là phương pháp mang tính chất hai chiều, người dân có quyền tham gia chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, bí quyết… trong việc nắm bắt, điều chỉnh được những hiện tượng, diễn biến của mô hình, vì thế sẽ nhớ lâu hơn.

Cũng từ lớp học tại hiện trường trên mô hình NTCN, ông Nguyễn Chí Nguyện, ấp Xóm Mới, xã Quách Phẩm, huyện Ðầm Dơi, nhận định: “Ðây là lớp học quá cần thiết cho người NTCN trong xã. Từ chưa biết, chưa thấy sự biến đổi của môi trường ao nuôi, giờ đây anh em rất thành thạo và tự tin thực hiện mô hình này tại gia đình. Ngành chức năng cần có nhiều hơn những lớp học như thế”.

Kỹ sư Nguyễn Trần Thức khẳng định: “Phương pháp chuyển giao kỹ thuật tại hiện trường đã kích thích được kinh nghiệm, gợi mở cho nông dân truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ thuật cho người ít hiểu biết. Do đó, đây được xem là một đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất một cách rõ nét. Trung tâm xác định đây là phương pháp cơ bản, cần thiết cho sản xuất trong tương lai bởi nó giúp người dân tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm sâu để đối phó với thiên tai, dịch bệnh, từng bước giảm rủi ro, phát huy hiệu quả sản xuất”./.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tổ chức 18 lớp học chuyển giao kỹ thuật tại hiện trường ở tất cả các huyện và thành phố; 9 lớp chuyển giao kỹ thuật NTCN cho các huyện, trừ huyện U Minh. Năng suất trên mô hình QCCT đạt 550 – 600 kg/ha, TCN loại tôm sú đạt 6 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng đạt 10 tấn/ha.

Theo Thế Lữ, Báo Cà Mau, 27/11/2014

Ý kiến của bạn