Những cơ sở nuôi, chế biến cá tra vi phạm có thể sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, bị đình chỉ sản xuất sản phẩm không phù hợp…
Bộ NN-PTNT vừa ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 23) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Thông tư 23 sẽ có hiệu lực từ ngày 12/9/2014. Bắt đầu từ ngày đó, cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải thực hiện đăng ký diện tích và sản lượng nuôi cá tra thương phẩm. Việc cấp mã số nhận diện ao nuôi được thực hiện khi các tỉnh, TP hoàn thành rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi cá tra thương phẩm của địa phương.
Những cơ sở nuôi nằm trong quy hoạch do UBND cấp tỉnh phê duyệt mới được cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi. Một cơ sở có nhiều ao nuôi sẽ được cấp nhiều mã số nhận diện (mỗi ao một mã số). Mã số nhận diện cơ sở nuôi và ao nuôi chỉ được cấp lần đầu hoặc khi đi đăng ký lại.
Chậm nhất trước thời điểm thả giống 20 ngày, chủ cơ sở nuôi phải đăng ký mã số nhận diện cơ sở nuôi và đăng ký nuôi cá tra thương phẩm với cơ quan quản lý NTTS cấp tỉnh. Khi đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, chủ cơ sở phải đăng ký cả diện tích và sản lượng nuôi.
Chậm nhất 1-2 ngày làm việc (tùy theo hồ sơ được nộp trực tiếp hay qua đường bưu điện) sau khi nhận được hồ sơ của người nuôi, cơ quan quản lý NTTS cấp tỉnh phải hướng dẫn chủ cơ sở nuôi bổ sung những nội dung còn thiếu hay chưa đúng quy định. Và chậm nhất 5 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý NTTS cấp tỉnh phải cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá tra và xác nhận giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm.
Sau khi được cấp mã số nhận diện và đăng ký nuôi, nếu cơ quan chức năng phát hiện chủ cơ sở kê khai không đúng hoặc làm sai lệch thông tin về địa điểm ao nuôi, diện tích ao nuôi hay sử dụng mã số nhận diện ao nuôi, giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm không đúng với ao nuôi đã đăng ký, cơ quan quản lý NTTS cấp tỉnh phải có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời và báo lên các cơ quan chức năng cấp trên để xử lý.
Những cơ sở này cũng bị thông báo về Hiệp hội Cá tra Việt Nam và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ở các nhà máy, cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiểm tra từ nguồn gốc xuất xứ của cá tra nguyên liệu đưa vào chế biến, tới việc sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, ghi nhãn; kiểm tra chất lượng sản phẩm cá tra; kiểm nghiệm tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước.
Nếu phát hiện sai phạm, cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành thống kê, niêm phong các lô sản phẩm vi phạm, yêu cầu cơ sở chế biến cá tra thực hiện các biện pháp khắc phục, sửa chữa, để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng phù hợp trước khi đưa ra thị trường.
Cơ quan kiểm tra có quyền đình chỉ lô sản phẩm cá tra vi phạm hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng và ghi nhãn sản phẩm. Với các lô hàng cá tra vi phạm về hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, cơ quan kiểm tra yêu cầu cơ sở tiêu hủy hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Sau khi có thông báo của cơ quan kiểm tra mà cơ sở chế biến cá tra không có báo cáo hoặc báo cáo khắc phục, sửa chữa không phù hợp, cơ quan kiểm tra sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất. Nếu tiếp tục phát hiện sai phạm, sau 7 ngày có kết luận về vi phạm tiếp theo của cơ sở, cơ quan kiểm tra sẽ công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ cơ sở chế biến cá tra, tên sản phẩm và chỉ tiêu không đạt chất lượng, ATTP.
Sau khi đã bị công khai trên phương tiện thông tin đại chúng mà cơ sở vẫn tiếp tục vi phạm, cơ quan kiểm tra có quyền tạm đình chỉ sản xuất sản phẩm không phù hợp và kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Một điều đáng lưu ý là sau khi Thông tư 23 có hiệu lực, sản phẩm cá tra, philê đông lạnh lưu kho có tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước cao hơn quy định trong Nghị định 36 (tỷ lệ mạ băng không quá 10%, hàm lượng nước không quá 83%), nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, ATTP của nước NK, thì sẽ vẫn được XK cho đến hết ngày 31/12/2014.
Tuy nhiên, thương nhân XK và cơ sở chế biến cá tra phải thực hiện thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản…
Theo Nông nghiệp Việt Nam