Ý kiến thảo luận của Tiến Sĩ Hồ Quốc Lực đánh giá vị thế và những giải pháp phát triển con cá tra Việt Nam so với các loại cá thịt trắng khác trên thế giới.
Cá tra trên thị trường cá thịt trắng
Thị trường cá thịt trắng là một bộ phận quan trọng, có vị trí đặc biệt trên thế giới. Cá biển thịt trắng có sản lượng lớn đáng kể là cá minh thái (Alasca pollack), cá tuyết (cod), cá vược (sea perch). Cá thịt trắng nước ngọt (chủ yếu là nuôi) có cá tra (pangasius), cá rô phi (tilapia), cá nheo (catfish)… Những mặt hàng cá trên đều được người tiêu dùng ưa chuộng vì độ dinh dưỡng, thơm ngon, dễ chế biến và giá cả phải chăng. Và tất nhiên, chúng cạnh tranh với nhau.
Cá minh thái tập trung biển Alaska và vùng eo biển Bering, chủ yếu do Nga và Mỹ khai thác, mỗi nước đạt khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Cá tuyết sống cũng tập trung vùng biển bắc, tổng sản lượng khai thác hàng năm suýt soát triệu tấn. Kể từ năm 2006, Hội đồng Quốc tế Khai thác Biển (ICES) giảm đáng kể hạn ngạch khai thác cá minh thái và cá tuyết do kết quả thăm dò thấy sản lượng tự nhiên cá này bị sụt giảm trầm trọng.
Khi cá thịt trắng khai thác ở biển bị thiếu hụt quá lớn, bởi giảm hạn ngạch khai thác tới hàng triệu tấn, các nhà NK, phân phối ở EU đã tìm ra sản phẩm thay thế là cá tra phi lê từ Việt Nam như một sản phẩm thay thế (substitute). Từ tình huống đó, năm 2007 giá cá tra phi lê đã khởi động tăng giá. Năm 2008 giá tăng mạnh, cao điểm suýt soát 4 US$/kg, tăng 1 US$ so trước đó.
Năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới đang lúc cao điểm, cá tra Việt Nam lại phát triển với tốc độ chóng mặt, với hàng loạt nhà máy chế biến cá tra được xây dựng nhanh, làm tăng công suất chế biến lên gấp đôi, nhiều vùng nuôi cũng được hình thành nhanh chóng. Sản lượng cá tra Việt Nam từ khoảng 0,5 triệu tấn (2007) tăng nhanh những năm sau đó, cao điểm (2010) khoảng 1,5 triệu tấn. Năm 2007-2009 là giai đoạn hoàng kim của con cá tra Việt Nam
Nhưng ngay sau đó, từ năm 2010, sản lượng cá minh thái, cá tuyết khai thác tự nhiên lại phục hồi. Do hạn chế khai thác trước đó, nên việc phục hồi càng nhanh và ổn định dần qua từng năm. Năm 2013, cá minh thái, cá tuyết trúng lớn. Nga tăng bán hạn ngạch khai thác cá minh thái tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Lượng cá nhiều, tràn xuống phía nam, là dịp tàu cá Trung Quốc đánh bắt lén không cần hạn ngạch.
Thời điểm sản lượng cá minh thái, cá tuyết hạn chế, việc tiêu thụ cá tra thuận lợi ở mức 0,5 triệu tấn/năm. Nhu cầu tăng tự nhiên hàng năm chỉ 1 con số. Hiện nay, sản lượng cá biển thịt trắng đang ở mức cao điểm, cá tra Việt Nam đang ở mức 1 triệu tấn/năm, nên việc tiêu thụ cá tra phi lê có chậm và giá cả chưa cao là điều dễ hiểu.
Việc mở rộng thị trường cá tra Việt Nam đã và đang được xúc tiến khá mạnh trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, nhiều nước cũng thấy được lợi điểm từ cá pangasius, với trên 20 loài, nên đã tiến hành thử nghiệm và tổ chức nuôi như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…Mỗi nước này đã có sản lượng hàng năm khoảng 200.000 tấn, hầu hết là tiêu thụ nội địa. Đến nay Thái Lan và Mexico cũng thông tin là họ quan tâm tới việc nuôi con cá này.
So sánh cá minh thái với cá tra cho thấy cá minh thái có lợi điểm hơn. Cá minh thái là cá biển, được người tiêu dùng ưu tiên chọn do an toàn. Thịt cá minh thái dai, ngon (người Nhật gọi cá minh thái là sukesondara), chủ yếu để làm chả (surimi) chất lượng ngon hơn, khiến Nhật Bản tiêu thụ lượng cá minh thái rất lớn. Giá bán cá minh thái cũng hết sức cạnh tranh với cá tra. Một số nhà máy chế biến Việt Nam đang NK cá minh thái cắt đầu, bỏ nội tạng (H&G) để tái chế phi lê tẩm bột XK, giá nhập chỉ 1,4-1,5 US$/kg. Trong khi cá tra cùng dạng XK giá tới 1,7$/kg. Cá minh thái phi lê phổ biến trên thị trường cũng không bị ngâm hóa chất giữ nước (làm tăng trọng) nhiều như cá tra philê Việt Nam, nên dễ thu hút người tiêu dùng hơn.
Ai gây nên “bi kịch” cá tra?
Thời cơ giai đoạn 2007-2010 đã hình thành biết bao tỉ phú nuôi và chế biến cá tra. Nhưng do không nắm bắt đủ thông tin, không biết diễn biến cung – cầu, người nuôi cứ âm thầm nuôi cá, chỉ biết hy vọng theo thông lệ “năm thất giá kéo theo năm trúng giá” theo kiểu nuôi trồng không ai chỉ dẫn mấy chục năm qua. Niềm hy vọng đó chỉ đưa đến sự thất vọng to lớn, dẫn đến phá sản biết bao chủ nuôi, khi nhiều năm qua cá thịt trắng khai thác biển liên tục trúng mùa, thị trường không có nhiều chỗ cho cá tra vẫy vùng như trước. Người nuôi cá tra phá sản, DN chế biến cũng trên bờ vực khủng hoảng bởi hàng đang tồn kho số lượng lớn, kéo dài, khiến nợ chồng nợ.
Ai gây nên tình cảnh này? Trước tiên là vai trò kiểm soát, điều tiết của cơ quan chức năng các cấp. Chính phủ đã thấy được trách nhiệm, đã hình thành nhiều lượt tổ chức như Ban Chỉ đạo Cá tra các tỉnh ĐBSCL, Ban Điều hành XK Cá tra sang Nga, Hiệp hội nuôi cá tra các tỉnh… Và nay là Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VPA).
Tiếp theo là trách nhiệm các doanh nhân chế biến cá. Làn sóng mạnh 2007-2009 đã hình thành tầng lớp doanh nhân mới trong lĩnh vực kinh doanh chế biến cá tra. Họ đến từ nhiều lĩnh vực khác, thấy con cá “đang ngon ăn” thì hè nhau nhảy vô. Kiến thức kinh doanh có hạn, đạo đức kinh doanh không cao, tầng lớp này có không ít người ích kỷ, không hiểu câu mua có bạn, bán có phường, coi quá nặng quyền lợi riêng, góp phần khiến con cá rối tung và ngày càng trầm trọng.
Cũng không thể không kể đến trách nhiệm người nuôi cá. Tâm lý âm thầm nuôi nhằm tranh thủ thời cơ khi cá giảm lượng, giá sẽ tăng. Nhưng biết bao người nuôi có đồng tâm trạng này, tới khi lứa cá phải thu thì sản lượng không giảm, mà giá lại giảm. Đâu có thể bắt buộc các DN chế biến phải tiêu thụ hết cá nuôi, trừ những hộ có hợp đồng pháp lý ràng buộc đầy đủ với DN.
Kế đến là các phương tiện truyền thông và một số cá nhân cứ rêu rao vô trách nhiệm doanh nghiệp ép giá ngưới nuôi, tạo tâm lý nghi ngại giữa hai chủ thể chủ yếu tạo ra chuỗi giá trị cá tra. DN kinh doanh con giống, thức ăn, thuốc thú y đều tăng giá khi nhu cầu tăng, có ai lên án họ đâu! Mấy chục năm qua, sao không nghe thấy ai rêu rao DN ép giá người nuôi tôm? Không phải DN chế biến tôm giỏi giang gì, chuyên mua tôm nguyên liệu giá cao chót vót. Vấn đề là mức cung ứng tôm trên thị trường thế giới giảm do nuôi tôm gặp dịch bệnh nặng nề. Sự mất cân đối đó làm lợi cho bên cung ứng, nhất là người nuôi tôm. Một chân lý quá dễ hiểu!
Rõ ràng, không phải Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, để độc quyền cá Pangasius, có thể tự định đoạt giá con cá này trên thị trường thế giới. Bởi Pangasius có nhiều chi, các nước khác có thể tổ chức nuôi. Mặt khác, người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm khác thay thế, mặt hàng nào rẻ hơn sẽ được tiêu thụ nhiều hơn.
Giải pháp cho cá tra Việt Nam
Cá traViệt Nam chỉ tồn tại và phát triển trên nền tảng có tổ chức chặt chẽ với quan điểm biết mình biết người. Yếu tố chủ động tăng năng lực cạnh tranh là có giải pháp giảm giá thành, điều tiết sản lượng cá nuôi vừa phải. Thí dụ, khi cá minh thái đang có sản lượng lớn, thì sản lượng cá tra chỉ nên ở mức 500-700.000 tấn/năm và chỉ tăng sản lượng khi mở được thêm thị trường hay khi có dự báo cá thịt trắng đánh bắt sụt giảm mạnh.
Giải pháp hành chánh như kiểm soát giá bán của các DN không phải là căn bản. Bởi đâu ai khờ dại bán thấp, tự gây thiệt hại cho mình. Cội nguồn vấn đề là cán cân cung – cầu cá thịt trắng trên phạm vi thế giới. Khi sản lượng cá thịt trắng khai thác giá rẻ trên thế giới tăng mạnh sẽ không cách nào giữ được giá cá tra, phải bán rẻ ngoài ý muốn thôi.
Từ phân tích trên trên cho thấy để tăng giá bán cá tra Việt Nam, nhiều việc cần tính toán và xử lý đồng bộ:
- Cần thu thập đầy đủ thông tin về tình hình khai thác cá thịt trắng (chủ yếu là cá minh thái, cá tuyết) và cá rô phi trên toàn cầu. Nếu cá thịt trắng khai thác trúng, phải hạn chế sản lượng nuôi cá tra. Việc ấn định sản lượng cá nuôi hàng năm sẽ tránh tình cảnh ứ đọng cá trong ao, trong kho lạnh,…nhằm tránh tình trạng dư thừa khiến nhiều doanh nhân túng quá hóa liều, phải bán cá giá rẻ nhằm xử lý hàng trong kho, có tiền trả nợ ngân hàng. Hệ lụy dẫn đến giá cá nguyên liệu phải giảm theo quy luật cung – cầu. Dẫn chứng là sản lượng cá hồi nuôi của Na Uy và dưa hấu vuông ở Nhật Bản, giá bán rất cao và ổn định, chủ yếu do sản lượng duy trì không tăng nóng nhiều năm qua, nhờ đó hai sản phẩm này không bị mất giá.
- Tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM), mở rộng thị trường có bài bản, không để tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN trong nước. Cá tra đang là sản phẩm quốc gia, nên tranh thủ kinh phí XTTM không quá khó. Nên tận dụng cơ hội thâm nhập thị trường người đạo Hồi, vì cá này phù hợp chuẩn thực phẩm đạo Hồi, với hơn 1,5 tỷ người, gần ¼ dân số thế giới.
- Nghiên cứu giảm giá thành sản phẩm thông qua chương trình phục hồi đàn cá bố mẹ có nhiều tính trội, dễ nuôi, mau lớn, ít bệnh…Song song có giải pháp kiểm soát giá thức ăn. Bởi chi phíthức ăn chiếm hơn phân nửa giá thành của cá.
- Tổ chức nuôi cá đạt chuẩn chất lượng, môi trường và phát triển bền vững càng cao càng tốt, nhằm tạo lòng tin và thu hút người tiêu dùng; nâng cao trình độ chế biến thâm nhập phân khúc thị trường trung cao. Hiện nay, sản phẩm cá tra XK chủ yếu là philê đông lạnh. Nếu các DN chế biến cá tập trung nghiên cứu chế biến thành hàng có GTGT nhiều hơn như ngành tôm, việc tiêu thụ cá sẽ rộng đường và giá cả sẽ cải thiện hơn.
- Tổ chức những chương trình giới thiệu sản phẩm cá tra trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút người tiêu dùng trong nước, nhất là khu vực vùng cao, ít thủy sản như tây nguyên, phía bắc…
- Về lâu dài, nên tổ chức nghiên cứu nuôi cá tra trong điều kiện nước lợ (nước ngọt tăng dần độ mặn). Việc này không quá khó vì thực tế nhiều hộ dân ở cửa sông ven biển, như vùng Đại Ngãi, Sóc Trăng đã có nuôi. Tuy cá chậm lớn hơn, thịt ít trắng hơn nhưng là cá nước mặn, thịt dai và ngon hơn. Nếu nghiên cứu thành công, có thể xây dựng thương hiệu cá tra nước mặnlợ sẽ làm phong phú sản phẩm cá tra, thị trường nhắm đến là Hoa Kỳ. Lý do là người tiêu dùng Hoa Kỳ đã quen với cá tra Việt Nam thịt mềm ngon hơn hẳn cá catfish bản địa, nên dễ chấp nhận khi cá này, nếu thêm lợi điểm nuôi nước mặn. Hoa Kỳ có dân số đông, thâm nhập tốt nước này sẽ bằng thâm nhập biết bao thị trường khác.
Tóm lại, cần nhìn nhận, đánh giá vấn đề và giải quyết vấn đề toàn diện, đúng tầm. Cá tra Việt Nam dù tiêu thụ dù trong nước cũng bị tác động bởi cung-cầu phạm vi thế giới đối với sản phẩm tương đồng. Nhưng đa phần cá tra Việt Nam là XK, sự tác động của cân bằng cung – cầu trên phạm vi thế giới càng rõ ràng. Do vậy, giải quyết việc quy hoạch, sản lượng cá nuôi phải tuân thủ quan hệ cung – cầu thế giới. Sau đó mới tính tới bản lĩnh quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ cá và các chương trình hành động khác.
Cái nhìn ở phạm vi thế giới và trên quan điểm tuân thủ quy luật kinh tế sẽ là kim chỉ nam để những giải pháp khác được đồng bộ và đúng hướng hơn.
Theo Tạp chí Thương mại Thủy sản ,