Nằm ngoài khơi cách bờ biển đảo Hawaii (Mỹ) vài cây số sắp tới sẽ có một trang trại nuôi cá tự động hóa với những chiếc bể nuôi hình quả cầu khổng lồ ở sâu cách mặt biển 1.300 feet (396 mét). Dự án Quả cầu đại đương (Oceansphere) này sẽ nuôi 1.000 tấn cá ngừ ahi và vi xanh được ương từ trứng cá.
Công nghệ này bao gồm hệ thống nuôi cá tự động, các cảm biến chất lượng nước, những chiếc chân vịt để giữ cho quả cầu cố định. Có thể nói rằng công nghệ này cũng na ná như kiểu nuôi cá bè ở Việt Nam. Cái khác là thay cho những chiếc bè thô sơ là những chiếc lồng hình quả cầu công nghệ cao.
Việc lắp đặt trại cá này sẽ được bắt đầu vào cuối năm 2014. Bill Spencer, CEO của Công ty Hawaii Oceanic Technology, cho biết quả cầu đầu tiên hầu như là để hoàn thiện công nghệ này. Sau khi được lắp đặt và thử nghiệm, đợt thu hoạch đầu tiên có thể diễn ra vào cuối năm 2017. Ông khẳng định: “Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là công nghệ.” Spencer nói rằng biển sâu là nơi duy nhất có thể sản xuất đủ hải sản một cách tự nhiên để nuôi thế giới một cách hiệu quả, kinh tế và với ảnh hưởng môi trường thấp nhất.
Sở dĩ CEO của công ty công nghệ đại dương này phải nhấn mạnh tới yếu tố công nghệ vì dự án này đã gặp nhiều sóng gió trong những cuộc chiến về pháp lý và luật định. Theo báo West Hawaii Today, có 1.700 người đã ký vào một thỉnh nguyện thư phản đối việc nuôi cá bằng những quả cầu như vậy. Có thêm 400 người nữa viết những lá thư chống lại việc mở rộng hạn định xây dựng vào năm 2012. Diane Kanealii thuộc Hội Cộng đồng Kailapa ở Kawaihae giải thích: “Vấn đề mấu chốt là lợi ích không thể so với các nguy cơ, chứ không phải vấn đề loại cá gì mà họ dự định nuôi.”
Giới quan sát cho rằng có lẽ chính công ty đang muốn thử nghiệm công nghệ nuôi cá biển sâu tự động này cũng không quan tâm tới loại cá mà họ có thể nuôi. Cái chính là theo dự báo của Fish Information & Services, thị trường toàn cầu về thiết bị nuôi cá biển sâu sẽ lên tới 75 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Báo Tuổi trẻ