Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh, thiếu quy hoạch, công tác quản lý môi trường còn chồng chéo giữa các bộ, ngành… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực này tiếp tục gia tăng.
Ngành nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc về diện tích và sản lượng nuôi trồng với quy mô lớn. Cụ thể, năm 2012, sản lượng thủy sản của cả vùng ước đạt hơn 2,2 triệu tấn, trong đó cá nuôi là 1,7 triệu tấn và tôm là gần 400 nghìn tấn… Sản lượng thủy sản nuôi trồng của ĐBSCL chiếm khoảng 70,94% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong cả nước, với mức tăng trưởng hằng năm là 17,8%. Cùng với đó là sự phát triển của các cơ sở chế biến thủy sản, với tổng số các cơ sở chế biến xuất khẩu trong vùng là 206 cơ sở,… tổng công suất chế biến khoảng gần một triệu tấn/năm; giá trị xuất khẩu của toàn vùng đạt khoảng bốn tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, các hoạt động nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản ở ĐBSCL đã phát sinh các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, khí thải gây ô nhiễm môi trường, với các nguồn thải chính như: Bùn thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thâm canh, nuôi cá tra công nghiệp…) chứa các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các loại hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh đọng, các chất độc hại có trong đất phèn… Nguồn nước thải trong ngành chế biến thủy sản, chủ yếu được thải ra từ nước rửa nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, các nguồn nước vệ sinh nhà xưởng sản xuất, nước rửa máy móc, dụng cụ trong các phân xưởng chế biến…
Chất thải sinh hoạt trong nuôi trồng và chế biến thủy sản ước tính trung bình từ 0,5 đến một kg/ngày (đối với các trang trại doanh nghiệp).
Thành phần chủ yếu của chất thải này là thực phẩm chiếm khoảng 79,17%; giấy khoảng 5,18%; ni-lông, nhựa khoảng 6,84%…, chủ yếu là các thành phần hữu cơ dễ phân hủy. Do đó, có thể gây ra các tác động đến môi trường và nhiễm vi sinh trong quá trình phân hủy tạo ra. Bên cạnh đó, chất thải trong ngành chế biến thủy sản; nguồn khí thải từ các hệ thống lò hơi, máy phát điện, lò sấy có chứa nhiều thành phần độc hại khác nhau, là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cho nên cần phải được xử lý theo quy chuẩn môi trường quy định…
Theo định hướng Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, ước đạt 812 nghìn ha; sản lượng thủy sản vào năm 2020, ước đạt khoảng ba triệu tấn/năm.
Như vậy, có thể khẳng định phát triển nuôi trồng thủy sản tiếp tục là một ngành kinh tế quan trọng của cả khu vực ĐBSCL trong thời gian tới. Tuy nhiên để phát triển một cách bền vững, theo chúng tôi trước hết, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) của chính quyền các cấp; các cơ quan có liên quan trong việc thực thi Luật BVMT, đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Đặc biệt, nâng cao năng lực thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động BVMT của các doanh nghiệp, nhất là cần kiên quyết xử lý triệt để những hành vi vi phạm các quy định của Luật BVMT. Đồng thời, nâng cao nhận thức về BVMT cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp…, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý về BVMT đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành Quy chuẩn về nước thải nuôi trồng thủy sản, vì hiện nay nuôi trồng thủy sản thuộc ngành Nông -Lâm – Ngư, nhưng lại áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp). Đáng chú ý, việc nộp lệ phí BVMT đối với nước thải nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL hiện nay chưa được thực hiện một cách nghiêm túc…
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cần dựa trên cơ sở phân vùng sinh thái, phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước và xử lý chất thải đối với ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp, thâm, canh… để đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, ngăn ngừa bệnh dịch và các quy chuẩn môi trường đã quy định. Đồng thời, các chủ đầu tư canh tác nuôi trồng và chế biến thủy sản phải tập trung đầu tư và vận hành các hệ thống thu gom tập trung, phân loại hợp lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt; quản lý lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn nguy hại theo đúng quy định, cũng như phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn về môi trường… Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản và người dân trong khu vực ĐBSCL.
Theo Nhan Dan