Để hạn chế ô nhiễm môi trường nước, tạo điều kiện phát triển bền vững cho các vùng nuôi tôm, ngành Thủy sản Nghệ An đang áp dụng các phương thức quản lý nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững như BMP, GAP, VietGAP… Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các chương trình trên, vấn đề mấu chốt là quản lý tốt chất lượng nước.
Hoạt động giám sát chất lượng nước ở các vùng nuôi tôm thương phẩm được tiến hành tại 8 vùng nuôi tôm cơ bản của tỉnh (6 vùng GAP, 2 vùng đa dạng) ở các xã Quỳnh Xuân, Quỳnh Lộc (T.X Hoàng Mai), Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), Diễn Vạn, Diễn Trung (Diễn Châu) và Nghi Hợp (Nghi Lộc). Tại các vùng nuôi tôm nói trên, tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm đang diễn ra hết sức phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh cho vật nuôi gây thiệt hại lớn cho các hộ dân. Theo khảo sát sơ bộ nguồn nước ở vùng nuôi trồng thủy sản cho thấy, có 81% cơ sở bị ô nhiễm và chỉ có 19% cơ sở nguồn nước có chất lượng tốt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước như: do chính hoạt động nuôi trồng thủy sản, nguồn nước thải của các nhà máy, xí nghiệp, do các hoạt động sản xuất nông nghiệp và nước thải từ sinh hoạt tại các khu dân cư. Tại những khu vực nuôi trồng thủy sản, có 81% ý kiến của các hộ dân cho rằng, nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước là do nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Văn An ở xã Quỳnh Dị (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Quỳnh Dị là xã có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn, nguồn nước sử dụng cho hoạt động này chủ yếu lấy từ sông Hoàng Mai và đây cũng chính là nơi chứa nước xả thải của các ao đầm.
Hầu hết các cơ sở sau mỗi vụ nuôi đều xả trực tiếp nước thải, bùn ra ngoài tự nhiên (93% số ý kiến), ngoài ra, trong quá trình canh tác, sau 30 ngày nuôi, các hộ tiến hành xiphon (hút) bùn đáy từ ao nuôi ra kênh mương. Như vậy, các hộ dân ở các khu vực này nhận thức rất rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, nhưng lại chưa có hướng khắc phục. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng quy trình VietGAP, một số hộ đã xử lý nước thải, thu gom bùn thải theo quy trình, nhưng tỷ lệ này chiếm rất ít.
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước trong nuôi tôm thâm canh chính là nguồn thức ăn thừa trong các đầm nuôi. Trong hệ thống thâm canh tôm chỉ có 15 – 20% thức ăn được dùng vào phát triển mô động vật, có tới 15% tổng lượng thức ăn hao hụt do không ăn hết và thất thoát, chỉ có 40 – 45% là được sử dụng trong quá trình chuyển hoá dinh dưỡng, duy trì hoạt động sống và lột vỏ. Việc cho thức ăn quá nhiều, tính chất nguồn nước không ổn định, thức ăn dễ tan, thức ăn khó hấp thu và khả năng duy trì nitơ… theo nước thải ra môi trường. Một vấn đề khác do việc nuôi tôm gây nên, như sự lắng đọng bùn ở các vùng lân cận, như rừng ngập mặn và ở những nơi nước tù. Phần lớn sản phẩm dư thừa trong nuôi tôm đã tích tụ dưới đáy ao. Đây chính là nguồn gây nguy hại cho con tôm và cho hoạt động nuôi tôm. Khi toàn bộ đáy ao bị dơ bẩn thì tôm chậm lớn, dễ bị mắc bệnh. Qua các nghiên cứu cho thấy, phần lớn các bệnh của tôm đều có nguồn gốc từ môi trường mà chúng sinh sống.
Không chỉ ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi, mà môi trường bên ngoài trại nuôi tôm cũng gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái ven biển. Việc tái sử dụng ao bị ô nhiễm hay thải ra môi trường xung quanh làm cho nguồn nước ô nhiễm và tác động lên các hoạt động ven biển. Sự rò rỉ nước thải cũng như nước ao nuôi còn làm mặn hoá đất nông nghiệp quanh vùng và nước ngầm (sinh hoạt, ăn uống). Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, đến tháng 10/2014, toàn tỉnh có 268,8 ha tôm nuôi bị các bệnh về đốm trắng, EMS và môi trường. Các vùng thực hiện nhiệm vụ giám sát có 98,6 ha bị bệnh, chiếm 37% tổng số diện tích bị bệnh, trong đó, diện tích bị bệnh EMS là 64,3 ha (chiếm 35% diện tích bị bệnh EMS), diện tích bị bệnh môi trường là 23,2 ha (chiếm 41% số diện tích bị bệnh về môi trường), 11,05 ha bị bệnh đốm trắng (chiếm 40% tổng số diện tích bị bệnh đốm trắng).
Qua đánh giá chất lượng nguồn nước tại Hợp tác xã Lộc Thủy, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) cho thấy: Giá trị pH biến động trong phạm vị hẹp, đảm bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, thích hợp cho sử dụng nước nuôi thủy sản. Tuy nhiên, chỉ số NH3 (Amoniae) trong nước cấp và thải ở đây hầu hết vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 10-2008 và QCVN 02-19. Cá biệt có những thời điểm vượt gấp 10 lần, điều này thể hiện ô nhiễm môi trường trong hoạt động xả bùn thải từ nuôi trồng thuỷ sản là rất trầm trọng. Vào thời điểm đầu vụ nuôi (tháng 5) chỉ số này nằm trong ngưỡng cho phép, sau đó cao dần vào các tháng sau; giá trị H2S nước hầu hết trên 0,02mg/l vượt ngưỡng so với QCVN 10-2008. Từ tháng 5-10/2014 toàn vùng có 40 ha bị bệnh, trong đó, bệnh về môi trường chiếm 32%, bệnh phân trắng chiếm 31%. Thời điểm tháng 6/2014, diện tích bị bệnh lớn nhất với 4 loại bệnh, đây cũng là thời điểm các chỉ số môi trường vượt ngưỡng cho phép.
Tại xã Diễn Trung (Diễn Châu), chỉ số pH nằm trong ngưỡng cho phép, còn chỉ số NH3 vượt ngưỡng cho phép vào các tháng 6, 7, 8 và cao hơn trong các mẫu nước thải. Từ tháng 5/8/2014 có tổng 2,5 ha diện tích bị bệnh, tập trung chủ yếu vào tháng 6 với 67%, bệnh chủ yếu là do môi trường chiếm 60%. Trong khi đó, tại xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) chỉ số pH đều nằm trong ngưỡng cho phép. Còn chỉ số NH3 hầu hết vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt từ nguồn nước thải, có tháng vượt 20 lần (8/2013). Các chỉ số H2S (hợp chất khí ở điều kiện nhiệt độ thường, có mùi thối, độc), BOD5 (ô xi hòa tan) đều nằm trong ngưỡng cho phép. Chỉ số kiềm cao hơn ngưỡng cho phép 4 lần vào tháng 8/2013. Liên tiếp trong 2 năm 2013 và 2104, vùng nuôi xã Nghi Hợp bị các loại bệnh về môi trường như gan, tụy, phân trắng, đốm trắng. Thời gian bệnh xuất hiện vào hầu hết các tháng trong năm.
Đánh giá về vấn đề quản lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản, ông Trần Xuân Quang – Trưởng Phòng Quản lý thức ăn và môi trường – Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: Việc tổ chức giám sát chất lượng nguồn nước để đánh giá chất lượng nước, dự báo mức độ ô nhiễm là vô cùng quan trọng. Trên cơ sở đó, xây dựng phương pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả và đưa ra các cảnh báo dịch bệnh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do môi trường gây ra cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Ngoài vấn đề giám sát chất lượng nước và đề xuất các hoạt động nhằm kiểm soát chất lượng nước, thì mối liên quan giữa môi trường và dịch bệnh luôn có sự tương quan hữu cơ, do đó cần xây dựng đồng thời hoạt động giám sát chất lượng nước và giám sát dịch bệnh một cách chủ động vào cùng thời điểm.
Theo Báo Nghệ An ,