Huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) có hơn 100 ha mặt nước, tạo điều kiện phát triển nuôi cá lồng bè. Tận dụng địa thế đó, anh Trương Văn Lành, xã Đại Chánh đã đầu tư hơn 13 lồng, thả nuôi 78.000 con cá điêu hồng giống, thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Chuyển đổi đúng hướng
Anh Trương Văn Lành (sinh năm 1977), hồi những năm 90, do cuộc sống quá khó khăn, phải vào Nam làm thuê kiếm sống tại nhiều nơi, bằng nhiều nghề, kể cả phụ hồ, bốc vác. Cuối cùng anh ổn định và lập gia đình tại Đồng Nai, làm thuê cho một chủ trại nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là cá bống tượng, cá tràu… Trong quá trình làm việc, anh Lành tranh thủ thời gian nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm nuôi cá của chủ trại. Anh Lành kể: “Làm thuê đến 10 năm trong trại nuôi trồng thủy sản, cuộc sống của tôi cũng chẳng khá lên được. Trong khi đó, tôi thấy chủ trại giàu lên, cũng chỉ nhờ nuôi cá. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định khăn gói về quê hương vì nghĩ rằng quê mình có đập Khe Tân, nguồn nước dồi dào, nếu đầu tư sẽ có lãi”.
Năm 2008, với số vốn dành dụm được, anh Lành đầu tư nuôi 2 lồng bè cá tràu diện tích 30 m2 và sắm một ghe nhỏ cùng ngư cụ đánh bắt tại lồng bè. Sau 7 tháng đầu tư sản xuất, anh thu về gần 40 triệu, lãi ròng 20 triệu. Anh kể: “Nuôi cá tràu tôi học của chủ, gần 10 năm, nên tôi biết cách chăm sóc. Tuy nhiên, tôi nhận thấy nuôi cá tràu tuy không cần nhiều vốn nhưng cá tràu chậm lớn, hay bị dịch bệnh, hiệu quả không cao. Đầu năm 2009, nhận thấy thị trường cá điêu hồng phát triển mạnh, có lúc giá 50.000 đồng/kg, anh quyết định chuyển sang nuôi cá điêu hồng.
Anh Trương Văn Lành khoe những con cá điêu hồng vớt lên từ lồng nuôi
Được sự hỗ trợ của Nhà nước với 10.000 con cá giống và 10 triệu đồng, anh Lành bỏ vốn 24 triệu đồng, đóng mới 2 lồng sắt diện tích 25 m2/lồng. Qua 6 tháng nuôi, anh thu hoạch 5 tấn cá, tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng. Mỗi năm xuất bán 2 – 3 lần, thu về trên 500 triệu đồng, lãi ròng 300 triệu đồng.
Nắm vững kỹ thuật nuôi
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá điêu hồng lồng bè, anh Lành cho biết, cá điêu hồng lồng bè phải chọn giống có kích cỡ 20 – 30 con/kg, cá khỏe, đều; như vậy khi chăm sóc và xuất bán dễ hơn. Riêng lồng bè được thiết kế bằng sắt ống kết phao nổi và bọc lưới nilon. Lồng đặt trên nơi nước chảy nhẹ, và với anh, chọn hồ đập Khe Tân là sự lựa chọn sáng suốt nhất.
Tuy nhiên, để phòng bệnh cho cá, phải thực hiện vệ sinh lồng bè, đối với xác cá chết phải vớt lên ngay, không để lâu ngày trong lồng. Anh kể: “Khi vớt lên, lúc đầu tôi không biết phải đưa đi đâu, cuối cùng tôi nghĩ ra cách, nuôi thêm vài con heo, như vậy cá chết có thể được tận dụng cho heo ăn”.
Đối với chế độ ăn, tùy vào từng loại cá mà cách cho ăn khác nhau. Theo anh Lành, lúc cá nhỏ, chỉ cần cho ăn loại 9950S, lớn hơn 3 lạng cho ăn loại 9951S. Cá điêu hồng lúc ăn yếu lúc ăn mạnh, nên cho ăn phải biết thời điểm, thường cho ăn 3 lần/ngày. Anh Lành cũng lưu ý: Vấn đề nguồn nước hết sức quan trọng, phải giữ nước sạch sẽ, dọn phân cá hằng ngày, khử trùng cho nước; khi đổ giống cũng hết sức cẩn trọng, để cá từ từ thích nghi môi trường mới, không nên vừa lấy từ xe cá giống về đã vội đổ xuống lồng, ảnh hưởng đến cân bằng nhiệt độ, khiến cá chết.
Thị trường chủ yếu của anh là Đà Nẵng, Quảng Nam. Theo anh, cá điêu hồng dễ bán do sức tiêu thụ mạnh, với giá 30 – 40 nghìn đồng/kg người nuôi sẽ có lãi.
Ông Võ Ngọc Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Chánh cho biết, toàn xã có 75 lồng bè, tập trung ở lòng hồ Khe Tân; nhờ nuôi cá điêu hồng mà nhiều hộ thoát nghèo, trở thành nông dân giỏi của huyện, như Trương Văn Lành.
Hiện, Trương Văn Lành có 13 lồng bè, trong đó 5 lồng nuôi cá giống ươm, 8 lồng nuôi cá thương phẩm, mỗi lồng thả khoảng 30 kg cá, tương đương 6.000 con cá/lồng. Nuôi cá điêu hồng chi phí đầu tư thấp, lãi cao, ít nhọc công, ít dịch bệnh.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 29/09/2014 ,