Nhằm nâng cao chất lượng tôm giống cho các trại sản xuất tôm giống trong tỉnh, năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án Ứng dụng hệ thống lọc nước mặt TĐC vào quy trình sản xuất giống tôm sú ở một số cơ sở tại huyện Năm Căn. Kết quả bước đầu rất khả quan khi năng suất tăng 30% so với cách sản xuất truyền thống.
Thiết bị lọc TÐC là thiết bị lọc thế hệ mới do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An thiết kế và chế tạo. Với khả năng khử độc tố, khử tạp chất và diệt khuẩn tốt nên việc ứng dụng công nghệ này vào sản xuất giống là một bước đi hiệu quả cho ngành sản xuất tôm giống hiện nay.
Theo quy trình xử lý nước truyền thống, nước sau khi xử lý chlorine và thuốc tím thì được bơm vào bể lọc cát, nước trong bể lọc cát chảy xuống bể chứa và từ bể chứa nước được bơm vào các bể ương, nuôi ấu trùng. Quy trình này mất nhiều thời gian, trong bể lọc cát chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh cho ấu trùng.
Theo ghi nhận từ 3 trại sản xuất giống áp dụng công nghệ mới, khi sử dụng hệ thống lọc nước mặt TÐC vào quy trình sản xuất tôm giống hạn chế việc sử dụng hoá chất trong xử lý nước nhằm kiểm soát mầm bệnh. Qua đó bảo đảm an toàn vệ sinh, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, kiểm soát, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Là 1 trong 3 trại được hỗ trợ hệ thống lọc nước mặt TÐC vào quy trình sản xuất giống tôm sú từ dự án, anh Lộ Văn Ðề, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, nhận định: “Trước đây, với 20 hồ mỗi đợt cho 10 triệu post sú. Khi áp dụng hệ thống lọc trên, năng suất tăng lên 15 triệu post sú và số mẫu xét nghiệm đạt cũng tăng lên 50-60% so với trước kia là 30%”.
Thạc sĩ Ung Hữu Em, Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Cà Mau, cho biết: “Qua kết quả 3 đợt sản xuất, khi so sánh với kết quả các bể đối chứng tỷ lệ sống của tôm post khi ứng dụng hệ thống lọc TÐC cao hơn, trung bình cao hơn từ 10-20%. Bên cạnh đó, về khía cạnh chất lượng, tôm giống được đảm bảo hơn do không sử dụng thuốc kháng sinh phòng, trị bệnh trong quá trình sản xuất”.
Ðồng thời, các chỉ tiêu nước như NH3, H2S, COD, dầu mỡ khoáng trong các bể sử dụng hệ thống lọc TÐC đạt kết quả tốt. Theo đó, công việc kiểm tra về môi trường được thường xuyên trước khi đưa ấu trùng vào ương nuôi. Chất lượng nước trước và sau khi qua hệ thống lọc đều được lấy mẫu nước kiểm tra và cho kết quả phù hợp với chỉ tiêu chất lượng nước theo tiêu chuẩn.
Kết quả đạt được của dự án sẽ làm tiền đề cho việc áp dụng mô hình mẫu để nhân rộng trên toàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có trên 30% cơ sở sản xuất giống trên toàn tỉnh áp dụng hệ thống lọc nước mặt TÐC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Thạc sĩ Ung Hữu Em nhận định: “Khi sử dụng công nghệ này, tỷ lệ tôm giống sống tăng lên từ 10-30%, tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Giúp các cơ sở sản xuất đáp ứng các khâu vệ sinh, cấp nước, lắng nước, diệt khuẩn, lọc nước, chăm sóc… đến xuất bán”.
Ngoài nâng cao năng suất chất lượng tôm giống giúp, khả năng cạnh tranh của các cơ sở sản xuất tôm giống, dự án còn giúp tạo niềm tin cho người nuôi tôm đối với chất lượng tôm giống địa phương thông qua mẫu xét nghiệm đạt cao. Hiện Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản đang lắp đặt thiết bị này cho 3 trại giống tại huyện Ngọc Hiển, từng bước góp phần đưa nghề sản xuất giống Cà Mau nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi tôm.
Theo Báo Cà Mau