Trong thời gian vừa qua, tại các địa phương có nghề nuôi tôm thương phẩm phát triển mạnh như các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và duyên hải Nam Trung Bộ tình hình bệnh trên tôm nuôi vẫn tiếp tục xảy ra với diễn biến khá phức tạp. Hiện tượng tôm bệnh với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh AHPNS (hoại tử gan tụy cấp tính) hay trước đây còn gọi là hội chứng chết sớm (EMS) vẫn xảy ra khá phổ biến tuy mức độ có vẻ giảm so với thời điểm năm 2012. Về nguyên nhân, theo ý kiến cá nhân thì có lẽ người nuôi của chúng ta cũng đã phần nào có kinh nghiệm trong việc ứng phó, xử lý khi có bệnh xảy ra trong ao nuôi của mình, quan tâm chăm sóc sức khỏe tôm tốt hơn, quản lý môi trường ao nuôi tốt hơn… và có lẽ không tránh khỏi một lý do rất quan trọng nữa là sử dụng hóa chất sát khuẩn, thuốc phòng trị bệnh nhiều hơn. Nhằm giúp cho bà con nuôi tôm có được cái nhìn tổng thể, hệ thống lại những gì đang xảy ra quanh ta, từ đó vận dụng vào sản xuất để mang lại hiệu quả ngày càng cao hơn, cá nhân xin đóng góp thêm một số nội dung sau:
1. Con giống:
Có thể nói hiện nay người nuôi chúng ta như đang lạc vào “Ma trận giống” với vô vàn thương hiệu, nhãn hiệu. Tuy nhiều thương hiệu nhưng đều có cùng một điểm chung, đó là thương hiệu nào cũng quảng bá mình là Số 1 chứ không phải số 2,3…Tôm Bố Mẹ nhập khẩu chính thức từ Thailand, Singapore, Hawaii,…thế nhưng, thật sự nguồn gốc nhập khẩu tôm bố mẹ, nguồn Naupllius (có đồng nhất từ một quần thể bố-mẹ đã được chọn lọc, gia hóa hay pha trộn từ nhiều đàn khác nhau), quy trình ương nuôi ấu trùng,…thì chỉ có chính cơ sở sản xuất đó biết mà thôi. Vì vậy, để đảm bảo độ an toàn càng cao càng tốt thì người nuôi phải chủ động tìm hiểu xem các ao nuôi khác trước đây đã từng bắt tôm giống của công ty, cơ sở đó có kết quả nuôi thế nào? có thành công hay không, tôm có nhanh lớn, có bị bệnh, kích cỡ có đồng đều không? Đàn tôm bố mẹ của công ty nhập về từ khi nào? Và tốt nhất là nên bắt tôm giống có kích cỡ lớn (chiều dài thân > 1,2cm).
Trước khi mua tôm giống về nuôi, tốt nhất là chuẩn bị ao có diện tích nhỏ để ương (gièo) tôm trong khoảng 3 – 4 tuần đầu. Việc ương tôm trong ao nhỏ có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc, quản lý, kiểm soát được lượng thức ăn, tỷ lệ sống, bệnh…và thông qua đó bước đầu đánh giá được chất lượng đàn tôm giống. Sau thời gian ương khoảng 3 – 4 tuần thì san thưa/ chuyển ra các ao lớn để nuôi tiếp. Do được chuyển sang ao mới, không gian rộng rãi, thoáng, nền đáy và môi trường nước mới, sạch sẽ nên tôm “phát” rất nhanh (mau lớn). Phương thức nuôi như vậy cũng giúp cho bà con hạn chế được đáng kể hội chứng tôm chết sớm (EMS).
2. Quản lý môi trường:
Người nuôi tôm phải trang bị cho ao nuôi của mình các bộ Test để chủ động đo đạc, kiểm tra các yếu tố môi trường trong suốt quá trình nuôi. Không nên phó thác vấn đề này cho các nhân viên thị trường của các công ty, các Đại lý bán thuốc, thức ăn vì một số lý do sau:
Sự tham gia, có mặt của các nhân viên thị trường của các công ty cũng có mặt tích cực, phần nào hỗ trợ cho người nuôi giải quyết, xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình nuôi, khi mà lực lượng cán bộ Khuyến ngư, kỹ thuật của các cơ quan nhà nước còn quá mỏng, không thể đảm đương hết được. Tuy nhiên, các nhân viên thị trường không phải ngày nào cũng có mặt tại ao nuôi của chúng ta, trong khi đó, diễn biến môi trường ao nuôi tôm có thể xảy ra rất nhanh, đặc biệt là khi chúng ta xử lý hóa chất, thay nước, tảo tàn đột ngột, mưa to bất ngờ hoặc khi tôm có bệnh. Đó là chưa kể đến trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm của mỗi nhân viên thị trường cũng không đồng đều. Cùng một vấn đề nhưng mỗi người hướng dẫn một cách xử lý khác nhau (và tất nhiên là phải dùng sản phẩm của công ty anh ta) cũng sẽ gây bối rối, nhiễu loạn cho người nuôi. Vì vậy, việc tự trang bị cho mình các bộ Test để thường xuyên kiểm tra, đo đạc là rất quan trọng. Mỗi hộ nuôi phải có tối thiểu:
– 1 bộ đo pH,
– 1 bộ đo độ Kiềm,
– 1 bộ đo NH3.
Tất cả các bộ Test này đều có hướng dẫn sử dụng. Độ Kiềm và NH3 có thể đo 03 ngày/ lần. Riêng pH phải được đo 02 lần/ 1 ngày: buổi sáng sớm trước khi mặt trời mọc và buổi chiều vào khoảng 3-4 giờ để xác định được giá trị thấp nhất, giá trị cao nhất và mức độ dao động trong ngày; Đồng thời kiểm tra ngay pH vào những thời điểm mưa to để xử lý cho kịp thời.
* Đối với độ Kiềm: cần lưu ý kiểm tra nhất là vào các thời điểm tôm lột xác đồng loạt sẽ làm độ kiềm giảm thấp, hoặc khi ta thay nước, cấp một lượng lớn nước ngọt vào ao nuôi. Đối với các ao nuôi có độ mặn thấp (< 10 ppt) thì việc thường xuyên kiểm tra độ kiềm để bổ sung vôi nông nghiệp (Super canxi – CaCO3), bổ sung khoáng vi lượng càng có ý nghĩa quan trọng giúp cho tôm lột xác tốt và mau cứng vỏ sau khi lột.
* Đối với NH3, cần lưu ý kiểm tra vào những thời điểm nắng nóng, pH tăng cao (>8,5), đặc biệt là khi tảo chết đột ngột hàng loạt…
3. Về vấn đề phòng, trị bệnh cho tôm nuôi:
Đối với một số nước nuôi tôm công nghiệp trên thế giới là rất hạn chế sử dụng. Khi phát hiện tôm nuôi trong trang trại (farm) có dấu hiệu bệnh là họ sẵn sàng tiêu hủy, bỏ ngay chứ không cố tìm cách dùng thuốc, hóa chất để điều trị với hy vọng mong “vớt vát” được phần nào hay phần đó. Thế nhưng đối với người nuôi tôm thương phẩm ở nước ta hiện nay thì quả thực là quá khó để thực hiện được điều đó khi mà diện tích nuôi manh mún (lốm đốm da Beo), cơ sở hạ tầng (điện, thủy lợi, nguồn cung cấp nước mặn-ngọt, giao thông…) phục vụ cho nuôi tôm thương phẩm tại các vùng nuôi tập trung còn quá thiếu thốn, không đồng bộ; Trình độ kỹ thuật, máy móc trang thiết bị của bà con nuôi tôm còn nhiều hạn chế, môi trường một số vùng nuôi đã và đang có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ nhưng không thể hoặc không biết làm thế nào để khắc phục, xử lý… Trong bối cảnh, điều kiện như vậy, thì việc gồng mình, đương đầu với thử thách, khó khăn, nuôi cho đến khi có được sản lượng tôm thương phẩm góp phần phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho quốc gia, cải thiện đời sống kinh tế gia đình quả thật đã là điều rất đáng khâm phục. Nói như vậy để có thể thấy rằng, đối với nghề nuôi tôm thương phẩm của ta, thuốc, hóa chất có một vai trò hết sức quan trọng không thể chối cãi và đó là một thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các ao nuôi từ nhỏ lẻ đến các Farm có quy mô lớn. Trước đây, trong một buổi tập huấn về nuôi tôm theo các tiêu chí GAP do Cơ quan quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tổ chức, do nội dung xoay vấn đề sử dụng hóa chất, kháng sinh, có người đặt câu hỏi với chuyên gia của FDA là nếu không sử dụng thuốc thì khi tôm nuôi của chúng tôi bị bệnh chúng tôi buộc phải xả bỏ? Vị chuyên gia đã trả lời rằng: “Tất nhiên là khi tôm nuôi bị bệnh thì phải tìm cách điều trị bệnh nếu có thể. FDA không quan tâm đến việc các bạn sử dụng loại thuốc, hóa chất nào. Vấn đề FDA quan tâm đó là sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ có chứa (dư lượng) các chất mà Hoa kỳ cấm, không được có mặt trong sản phẩm đó hay không”.
Nói như vậy để người nuôi tôm chúng ta thấy được trách nhiệm của mình trong việc sử dụng thuốc, hóa chất trong phòng, trị bệnh cho tôm nuôi. Khi dùng thuốc phải biết được các đặc tính dược lý của thuốc, sự tương tác thuốc, thời gian đào thải,… để sử dụng cho đúng. Làm thế nào để vẫn có thể sử dụng thuốc, hóa chất để phòng trị bệnh cho tôm nhưng khi thu hoạch, xuất bán thì chắc chắn là không còn dư lượng thuốc, vết hóa chất còn tồn lưu trong tôm thì mới bán được và bán được với giá cao.
Trở lại vấn đề phòng, trị EMS. Cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng EMS không lây nhiễm theo chiều ngang, không lây lan từ ao này sang ao khác. Chúng ta đều biết rằng đến nay, các công trình nghiên cứu đã được công bố cho biết tác nhân gây bệnh là 1 chủng thuộc loài Vibrio parahaemolyticus. Mà đã là vi khuẩn thì được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, thông tin cho rằng không lây nhiễm là rất nguy hiểm đối với người nuôi vì người nuôi dễ sinh tâm lý chủ quan, không áp dụng các biện pháp tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, làm cho dịch bệnh có nguy cơ lây lan và bùng phát trên diện rộng thì hậu quả mà người nuôi phải gánh chịu là hết sức nặng nề.
Trong bối cảnh như hiện nay, người nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, sử dụng các loại hóa chất có tính sát khuẩn cao nhưng không làm chết tảo để xử lý diệt khuẩn trong ao nuôi theo định kỳ; Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa đầy đủ các chủng vi khuẩn có lợi như Nitrosomonas, Nitrobacter, các dòng Bacillus sp. và hiện nay cũng đã có một số chế phẩm sinh học có chứa cả các dòng vi khuẩn có khả năng ức chế Vibrio parahaemolyticus.
Đối với việc dùng thuốc, phải dùng đúng các loại thuốc có khả năng sát khuẩn (các loại Tetracycline, Oxytetracycline đều là thuốc kìm khuẩn không có khả năng làm chết vi khuẩn – đã có nêu trong bài viết trước đây), dùng đúng liều lượng, đúng thời gian để tránh việc vi khuẩn kháng thuốc
Người nuôi cần quan tâm thường xuyên theo dõi, kiểm tra khối gan tụy và đường ruột của tôm để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường như: ruột đứt đoạn, phân tôm lỏng, gan tụy chuyển sang màu vàng, xanh nhạt, hoặc nâu đỏ, hơi co nhỏ lại hoặc sưng to hơn so với bình thường. Khi phát hiện thấy có các dấu hiệu bất thường người nuôi cần bình tĩnh xem xét, đánh giá tình trạng, tìm hiểu thông tin…không nên sử dụng thuốc tùy tiện, bừa bãi. Nếu môi trường ao nuôi được điều khiển tốt, phần lớn đàn tôm trong ao còn bắt mồi thì hiệu quả điều trị bệnh là khá cao.
Theo Công ty Bioaqua Vietnam, 17/09/2014