Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả và đa dạng hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp đã giúp không ít nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu… Trong đó, mô hình sản xuất đa canh của nông dân Trần Minh Phúc (ấp Nhơn Lợi, xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới) là một điển hình.
Anh Phúc tâm sự: “Năm 2011, sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá điêu hồng giống từ các anh em địa phương, tôi quyết định cho thuê hơn 9 công đất trồng lúa xa nhà lấy tiền thuê hơn 10 công đất gần nhà để đào ao nuôi cá giống. Đợt đầu nuôi thành công ngoài mong đợi, thế là tôi thuê thêm 10 công đất và đào thêm 2 ao nuôi cá giống”.
“Ban đầu, tôi cũng không định nuôi cá giống mà định nuôi cá tra, cá trê. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ thuật và thị trường, tôi quyết định nuôi cá điêu hồng giống. Nhờ có mối cá bột ở Tiền Giang, chỉ cần điện thoại đặt hàng sẽ giao tận nơi nên nguồn cá giống luôn ổn định. Ban đầu, chỉ nuôi một ao nhưng nhờ thành công nên mê lắm, năm sau lại mở rộng ra thêm”, anh Phúc cho biết.
Đến nay, anh Phúc đã có 4 ao nuôi cá giống và 1 ao nuôi cá thương phẩm, với diện tích mặt nước trên 2 héc-ta. “Muốn biết cá mạnh, yếu, có bệnh gì không thì nên đi thăm cá, quan sát từ lúc sáng sớm. Lúc trời chưa nắng, cá biểu hiện rất rõ. Lưu ý, trong quá trình nuôi, xuất hiện mưa đêm thì phải nhanh chóng tạt vôi, muối để sát trùng. Ngoài ra, hôm nào mưa suốt thì phải cắt cữ không cho cá ăn, để tránh bị sình bụng, hao hụt” – anh Phúc chia sẻ kinh nghiệm.
Trong giai đoạn cá bột, có thể cho ăn từ 3- 4 lần/ngày, còn khi lớn hơn, chỉ cần cho ăn 2 lần/ngày (sáng và chiều). Theo anh Phúc, nuôi cá điêu hồng giống không khó, tuy nhiên nó cũng rất dễ bị mắc các bệnh thông thường, nên trước khi thả cá bột phải vệ sinh ao, phải canh thời tiết để tạt thuốc sát trùng cho cá khỏe, không bệnh. Thường xuyên thay nước cá sẽ ăn mạnh, khỏe và rất nhanh lớn. Có một ao riêng để ương cá bột khỏe, sau đó mới thả vào các ao còn lại nên anh Phúc có thể xoay vòng ao nuôi đến 3 lần/năm. Nhờ vậy, trong quá trình nuôi tránh được hao hụt do cá tạp ăn thịt hay môi trường tác động.
Anh Phúc thành công với mô hình đa canh – đa con
Cá bột nuôi khoảng 1,5 đến 3 tháng là bán được, mỗi ký khoảng 30 đến 70 con giống. Thông thường, cá nhỏ giá sẽ cao và giá sẽ giảm dần khi cá lớn. “Thời điểm bán cá giống cho lợi nhuận cao nhất sau 1,5 đến 2 tháng nuôi (khoảng 45- 50 con/kg). Cá để lâu thì tỷ lệ hao hụt cao, mà lượng thức ăn cho cá ăn cũng tăng lên, người nuôi không còn lời nhiều” – anh Phúc cho biết.
Bên cạnh nuôi cá giống, anh Phúc còn xây chuồng nuôi heo, bán heo con. Với 6 con heo nái giống, mỗi năm anh xuất bán khoảng 120 con heo con, với giá trên 1 triệu đồng/con. Sau khi trừ tất cả chi phí, anh Phúc còn lãi trên 50 triệu đồng. Đó là chưa kể trong chuồng lúc nào cũng nuôi hơn 15 con heo thịt, bán lấy chi phí thức ăn cho 6 con heo nái. Ngoài nuôi cá và heo, anh Phúc còn mở trại cưa xẻ gỗ phục vụ nhu cầu ở địa phương.
Anh Phúc tâm sự: “Có trại cưa này cũng đỡ, đủ trang trải chi phí chi tiêu cho cả gia đình, chi phí học tập của con trai học ngành Nuôi trồng thủy sản của Trường đại học An Giang và đứa con gái học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Châu Thành). Còn lợi nhuận từ việc nuôi cá và heo (mỗi năm trên 500 triệu đồng) thì để dành mở rộng diện tích nuôi”.
Anh Phúc bày tỏ: “Chắc do mình có phần may mắn, nên từ đó tới giờ nuôi cá chưa bị lỗ. Thời gian tới, tôi dự định tận dụng những bờ ao trống trồng cỏ và mua bò về nuôi. Tiếp tục duy trì mô hình nuôi cá điêu hồng giống theo hình thức xoay vòng để tháng nào cũng có cá bán nhằm đáp ứng nguồn cung cho thị trường và tăng thu nhập gia đình”.
Theo Báo An Giang ,