Khá lên nhờ nuôi cá hô

Cá hô được coi là quý hiếm và lâu lâu người ta mới bắt được một con cá hô trên sông lớn. Thế nhưng từ vài năm trước, nhóm kỹ sư của Trung tâm quốc gia Giống thủy sản Nam bộ đã thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo thành công cá hô. Từ những nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều người dân đã bắt đầu nuôi cá hô.

Thắng lớn ngay vụ đầu

Dẫn chúng tôi ra ao cá đã được đầu tư nâng cấp bài bản, ông Trần Văn Bình (đổi tên theo ý của nhân vật, xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) nhắc lại câu chuyện vì sao ông đến với nghề nuôi cá hô này.

“Hồi đó (năm 2009) ao nhà tui nuôi cá tai tượng, và trên thị trường giá loại cá này rất bấp bênh. Vì vậy khi nghe người quen giới thiệu Trung tâm quốc gia Giống thủy sản Nam bộ vừa nhân giống thành công con cá hô, loại cá này có thể sống chung với cá tai tượng nên tui mua về nuôi thử. Không ngờ ngay trong vụ đầu tiên tui đã thắng lớn” – ông Bình nói.

Ông Bình nhớ lại: Ba hecta mặt ao ông thả 2.600 con. Quá trình nuôi gần hai năm, ông Bình cũng không ngờ ông đang có tiền tỉ dưới ao. Nguyên nhân là do lượng thức ăn phát sinh khi thả cá hô không đáng là bao.

Đến ngày thu hoạch cá tai tượng, ông Bình kéo lưới để cho thương lái lấy mẫu định giá. Nào ngờ cá tai tượng chẳng thấm vào đâu so với cá hô, thương lái thấy vậy quay qua mua cá hô trước và cân cá tai tượng sau.

Tổng kết số cá cân được, ông Bình bất ngờ tột độ khi tỉ lệ cá sống lên đến 95%, bình quân mỗi con cân nặng 4kg, ông thu được gần 10 tấn cá.

Với giá bình quân 130.000 đồng/kg, bán được 1,3 tỉ đồng, trừ chi phí thức ăn, giống… ông Bình thu lời hơn 1 tỉ đồng.

Tương tự ông Bình, ông Đặng Văn Lời, ngụ cùng xã, cũng vậy. Năm 2011 ông Lời mua 1.100 con cá hô giống thả xen với cá sặt rằn.

Hơn một năm trời thả nuôi chẳng thấy tăm hơi chúng đâu. Vậy mà khi kéo bán, cả nhà giật mình khi còn đến 900 con, con nào cũng nặng trên 1,5kg, có con hơn 3kg.

“Mấy trăm triệu đồng bỗng dưng vào túi mình hồi nào chẳng hay, y như trúng số” – ông Lời nhớ lại món tiền lời to sau nuôi cá hô vụ đầu.

Ông Nguyễn Trọng Tuy, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cho biết nghề nuôi cá hô mới xuất hiện ở Tiền Giang mấy năm gần đây. Đây là loài thủy đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao. Cá hô ít bệnh, tăng trọng khá, cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong điều kiện thực tế của người nuôi các loại cá như cá tra, cá điêu hồng… đang có thu nhập bấp bênh thì loại cá hô này chính là một hướng đi mới. Phần lớn người nuôi đều có lời, con cá hô đã mở ra triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Từ sự thành công của lần nuôi đầu, ông Bình đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp, cải tạo ao nuôi để trở thành người nuôi chuyên nghiệp, đồng thời hướng dẫn một số bà con nông dân trong vùng cùng làm.

Ông Bình chuyển hẳn sang mô hình nuôi lồng ghép giữa cá hô với cá sặt rằn (thay cá tai tượng). Theo tính toán của ông, nếu nuôi lồng ghép giữa cá hô với cá sặt rằn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cá tai tượng. Vì theo đặc tính sống, hai loại cá này không cạnh tranh thức ăn với nhau và cá sặt rằn có giá trị kinh tế cao hơn, ít bệnh hơn.

Theo tính toán từ thực tế, cứ 2kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá sặt rằn thương phẩm và 1kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá hô. Giá mỗi ký thức ăn hiện nay là 13.000 đồng, trong khi giá cá sặt rằn 50.000-70.000 đồng/kg.

Như vậy cứ cho rằng 3kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá sặt rằn thì tổng chi phí thức ăn, con giống trong ao nuôi cả cá hô và cá sặt rằn thì khi bán số cá sặt rằn cũng dư sức đủ cho chi phí này. Do đó phần tiền thu được từ việc bán cá hô coi như lời trọn.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Hữu Ngãi, cán bộ Trung tâm quốc gia Giống thủy sản Nam bộ, để mang lại hiệu quả cao cần chú ý đến mật độ khi thả nuôi vì loại cá này cần môi trường thông thoáng để hô hấp. Tốt nhất là nên thả 2m2/con nếu nuôi đơn, không quá 1m2/con nếu nuôi lồng ghép.

Việc nuôi lồng ghép sẽ tạo điều kiện cho cá có tập tính tranh ăn, đồng thời cá hô có xu hướng ăn tảo, rong rêu nên lượng thức ăn tiêu tốn không nhiều, môi trường sẽ được dọn dẹp tốt hơn.

Ngoài ra cần phải có ao rộng và sâu nhưng ít bùn để có nhiều ôxy và cá không bị mắc kẹt khi chúi xuống bùn.


Cá hô dài cả mét sau sáu năm nuôi

Vẫn còn nỗi lo đầu ra

Mặc dù nhiều người nuôi cá hô hiện nay có lời, tuy nhiên nỗi lo về đầu ra luôn ám ảnh khi việc nuôi cá hô được triển khai đại trà.

Ông Trần Văn Bình cho rằng với giá thị trường hiện nay mà thương lái đang mua từ 130.000-150.000 đồng/kg (tùy kích cỡ), người nuôi cá hô đang lời to. Tuy nhiên, ông Bình lo ngại nếu sản lượng tăng lên một chút thì chắc chắn giá cá hô sẽ bị hạ ngay.

Mặt khác thị trường tiêu thụ cá hô phụ thuộc lớn vào nhà hàng, quán ăn… nên nếu mức cung lớn thì chắc chắn giá cá sẽ hạ nhanh, người nuôi sẽ không có lời.

Còn theo ông Đặng Văn Lời, tuy giá cá hô hiện nay khá cao nhưng đặc điểm của loài cá này rất dễ bị chết khi lên khỏi bờ. Trong khi đó, khi mua thương lái bao giờ cũng yêu cầu phải đảm bảo cá còn sống từ lúc mua đến vận chuyển và giao hàng.

Vì vậy để đảm bảo yếu tố này, thương lái phải bơm ôxy khi vận chuyển. Việc làm này tiêu tốn nhiều công sức, thời gian nên số lượng mỗi lần thu mua cũng hạn chế.

“Để bán được 1.000 con cá hô thương phẩm, thương lái phải vận chuyển ba đến năm lần, mỗi lần cách nhau cả  tháng. Nếu người nuôi không có ao để sang, rộng lại cá thì khó lòng đảm bảo cá không bị hao hụt” – ông Lời nói.

Bởi theo ông Lời, cá hô rất nhạy cảm, khi có động trong ao cá thường chúi xuống bùn, bụi cỏ nên ngộp chết. Do đó lúc kéo lưới phải đưa cá sang ao khác để rộng lại khi không bán hết. Cũng chính vì lẽ này mà các chủ ao không dám đánh bắt bất cứ con cá hô nào để chúng tôi chụp ảnh khi có gợi ý.

Ông Nguyễn Thanh Trung, một thương lái chuyên mua bán cá hô ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết phần lớn cá hô hiện nay được ông thu gom để giao cho các nhà hàng ở TP.HCM. Vì vậy việc tiêu thụ nhanh chậm là do các nhà hàng quyết định tùy lượng khách của họ.

Mặt khác các nhà hàng có khuynh hướng chọn cá 1,5-2kg. Với loại cá này người dân rất ít bán, trong khi cá cỡ 4-6kg thì nhiều nhưng nhà hàng lại ít chọn vì khó bán cho khách.

“Hiện tại mỗi ngày cơ sở của tôi chỉ có thể tiếp nhận trên dưới 100kg, nếu cung ứng với số lượng lớn thì không có chỗ chứa. Do đó nếu bán với số lượng lớn thì đành phải chấp nhận phương án cân nhiều lần” – ông Trung nói.

Ông Nguyễn Trọng Tuy, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cũng lo ngại khi cho biết nếu sản lượng cá hô tăng nhiều quá thì e rằng thị trường sẽ tiêu thụ không nổi. Hiện tại số lượng ít thì còn có giá cao, e rằng tới đây nếu sản lượng tăng lên thì giá sẽ giảm, người nuôi không có lời.

“Con cá tra tuy giá còn bấp bênh nhưng vẫn còn cửa để xuất khẩu. Còn cá hô tuy là đặc sản nhưng nếu nông dân ùn ùn nuôi e rằng đầu ra sẽ gặp khó” – ông Tuy nói thêm.

Khó sống trong môi trường tự nhiên

Năm 2010, Viện Nghiên cứu thủy sản nước ngọt có phối hợp với Dự án Mekong thả 50.000 con cá hô giống xuống sông Tiền (đoạn qua xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).

Tuy nhiên, mấy năm sau cá có trọng lượng hơn 1kg thu về từ các ngư dân không nhiều do ảnh hưởng bởi môi trường sống hoặc bị đánh bắt tận diệt khi còn nhỏ.

Do đó việc nuôi thương phẩm trong các ao cũng là một cách giúp loài cá này không bị tuyệt chủng.

Theo THANH TÚ, Tuổi Trẻ, 25/11/2014

Ý kiến của bạn