Trong nghề nuôi tôm sú, thường gần đến cuối vụ chuẩn bị thu hoạch, người nuôi ít chú ý các vấn đề như: yếu tố môi trường, vệ sinh ao, không bổ sung vi lượng, khoáng chất dẫn đến chất lượng tôm thu hoạch không cao, con tôm không đẹp, bị đóng rong, mòn đuôi (sâu đuôi), mềm vỏ, cụt râu … Tôm không đẹp thường bị phân loại thấp không mang lợi nhuận cao cho người nuôi. Để khắc phục những hạn chế này, người nuôi cần thực hiện một số biện pháp như: kiểm tra các yếu tố môi trường cũng như các dấu hiệu bệnh trên thân tôm, kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả. Những hiện tượng hay gặp ở tôm sắp thu hoạch là:
Hiện tượng tôm nuôi bị mòn đuôi (sâu đuôi), cụt râu: nguyên nhân là thức ăn không đảm bảo chất lượng và thiếu số lượng làm tôm đói cắn nhau. Đáy ao nuôi gần cuối vụ bị dơ, vi khuẩn phát triển mạnh tấn công vào các phụ bộ, chân bò, chân bơi, râu làm mòn đuôi, cụt râu. Quan sát ao thấy tôm bơi chậm chạp, bắt mồi kém, phát triển chậm. Khi râu, đuôi, chân bò bị mòn có màu đen, trên thân tôm có nhiều chỗ bị xây sát. Nếu mòn đuôi do tôm đói cắn nhau thì điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ, một thời gian sau tôm khoẻ mạnh, lột xác thì các chỗ mòn đuôi sẽ hết. Nếu mòn đuôi, cụt râu do vi khuẩn tấn công thì sử dụng kháng sinh để phòng trị bệnh và hóa chất để xử lý nước. Đồng thời tăng cường Vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho tôm.
Hiện tượng tôm bị đóng rong, đóng nhớt trên thân: do quản lý chất lượng nước không tốt, một số loài nấm, động vật nguyên sinh bám trên thân tôm phát triển mạnh làm cho tôm khó khăn trong việc lột xác và sinh trưởng. Hoặc do đáy ao dơ bẩn, môi trường sinh khí độc làm tôm hoạt động kém tạo điều kiện tốt cho nấm và nguyên sinh động vật bám vào thân tôm. Quan sát tôm thấy trên thân đóng một lớp nhớt, vỏ tôm dày làm cho tôm khó khăn trong hoạt động bắt mồi và sinh trưởng, tôm có hiện tượng phân đàn, phát triển không đồng đều, chậm lớn. Trường hợp này chú ý quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, độ kiềm, độ trong, oxy. Dùng hóa chất để diệt khuẩn, nấm nhằm tẩy nhớt bám trên thân tôm kết hợp thay nước 20 – 30%. Tăng cường chất bổ dưỡng như Vitamin C, men vi sinh để nâng cao sức đề kháng cho tôm, đồng thời dùng men vi sinh xử lý nước để phân huỷ chất dơ bẩn dưới đáy ao do chất hữu cơ lắng tụ.
Hiện tượng tôm bị mềm vỏ: thân tôm bị mềm nhảo, thịt không đầy vỏ là do môi trường ao nuôi xấu, tôm bắt mồi kém, thức ăn không đủ chất dinh dưỡng, thiếu chất khoáng, tôm bị chậm lớn. Xử lý bằng cách nâng cao chất lượng nước, sử dụng thức ăn chất lượng cao đủ chất dinh dưỡng (chất đạm, chất bột đường, chất béo, khoáng …) Dùng vôi giúp tăng hệ đệm, ổn định pH. Dùng men vi sinh nhằm nâng cao chất lượng nước. Tăng cường một số chất khoáng giúp tôm cứng vỏ.
Nuôi tôm đạt cỡ thương phẩm chỉ mới thành công bước đầu, để nâng cao giá bán nhằm đạt hiệu quả cao hơn chúng ta cần chú ý “làm đẹp” cho tôm trước khi xuất bán.
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, 07/12/2014 ,
Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.