Từ trong nghèo khó, Nguyễn Bảo Dương (1991) ở ấp 9, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) đã vươn lên bằng sự nỗ lực học hỏi và dồn tâm huyết vào công việc để là 1 trong 55 đoàn viên tiêu biểu xuất sắc vừa được Huyện đoàn Hớn Quản tuyên dương. Hiện anh Dương đã ổn định kinh tế nhờ nuôi ba ba và cất vó bắt cá trên lòng hồ Dầu Tiếng, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng.
LÀM CHƠI, ĂN THẬT
Anh Dương đưa chúng tôi đi tham quan chỗ cất vó của gia đình. Chỉ ít phút, anh đã cất lên mẻ vó đầu tiên với nhiều loại cá. Để có thể cất lên nổi tấm lưới ở độ sâu gần 20m, anh Dương phải dùng hệ thống dây cáp và ròng rọc để thay cho phương pháp nâng thủ công. Vào mùa nước nổi (khoảng cuối tháng 6 đến tháng 8) cá xuôi về nhiều, có ngày anh thu hơn 2 tạ cá các loại.
Anh Dương chia sẻ, trước đây đã thất bại nhiều lần. Năm 1997, anh theo gia đình từ Đồng Tháp đến Bình Phước lập nghiệp. Lúc đó, gia đình mua được 2 ha đất trồng nhãn, nhưng do giá cả bấp bênh, thiếu công chăm sóc nên vườn nhãn chết hàng loạt. Không có tiền đầu tư cây khác, gia đình anh bán đất chuyển sang nuôi cá bống trên bè. Tuy nhiên, hướng đi này cũng không đem lại hiệu quả.
Năm 2010, anh xin vào làm công nhân cao su cho nông trại Phú Gia ở xã Tân Hiệp. Do làm theo ca nên anh có nhiều thời gian rảnh rỗi. Vì vậy, anh tìm đến nghề cất vó trên lòng hồ Dầu Tiếng. “Ban đầu thanh niên trong ấp chỉ tụ nhau kiếm vài con cá để làm bữa nhậu. Hôm nào cất được nhiều thì chia nhau đem về nhà. Dần dần cất vó trở thành nghề cho thu nhập khá ổn định” – anh Dương nói.
Học hỏi từ những hộ có kinh nghiệm cất vó rồi vay mượn người thân, anh đầu tư bộ vó 25 triệu đồng. Lúc mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm anh đặt vó chìm xuống đáy hồ, gặp hôm nước đục về, bùn đất vùi lấp vó khiến anh rất vất vả mới kéo được lên. Đó cũng là kỷ niệm sâu sắc của anh những ngày mới vào nghề. Hiện nay, anh đã sắm được 4 giàn vó, trung bình mỗi ngày kiếm được 200 đến 250 ngàn đồng. Cá, tôm đánh bắt được thương lái trong xã tìm đến tận nơi mua.
TẬN DỤNG CÁ MỒI ĐỂ NUÔI BA BA
Làm kinh tế giỏi, anh Dương được đoàn viên thanh niên ấp 9 tin tưởng học tập, và bầu làm bí thư chi đoàn ấp. Anh đã tham mưu cho đoàn cấp trên tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn; thành lập các nhóm thanh niên theo sở thích như: bóng đá, cầu lông, câu cá… để thu hút thanh niên vào tổ chức đoàn, hội.
Anh Dương hiện đang mượn tạm mảnh đất nhỏ sát lòng hồ Dầu Tiếng của nông trại Phú Gia để nuôi trồng thủy sản. Tận dụng những loại cá nhỏ và gần nguồn nước, anh xây bể nuôi ba ba. Sau thời gian thử nghiệm, anh thấy ba ba dễ nuôi, chi phí thấp lại chủ động nguồn thức ăn nên anh dần mở rộng quy mô lên 2 bể xây có diện tích 36m2/bể.
Năm 2013, lứa ba ba đầu tiên đạt trọng lượng từ 1 đến 1,5kg/con, giá thị trường dao động 250 đến 300 ngàn đồng/kg, anh xuất bán gần 400kg thương phẩm. Số trứng ba ba đẻ ra, anh lại nuôi gây giống. Anh Dương cho biết, ba ba giống sau 2 năm nuôi có thể sinh sản. Ba ba đẻ khoảng 10 lứa/năm, mỗi lứa từ 15-18 trứng, tỷ lệ nở khoảng 80%.
“Trong quá trình nuôi cần thay nước thường xuyên, không để lớp cát dưới đáy hồ bị bẩn. Khi thả nuôi nên phân loại đực và cái, với tỷ lệ 1 đực – 5 cái, mật độ 7 con/m2 để hạn chế cắn nhau. Nếu thấy ba ba bị bệnh cần bắt riêng theo dõi, chữa trị và xử lý vệ sinh môi trường nước, không để những con khỏe bị lây bệnh” – anh Dương chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Bình Phước Online, 09/11/2014 ,