Ngày 13/8, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình lúa – tôm bền vững” và triển khai Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa – tôm tỉnh Cà Mau”.
Gần 5 năm qua, mô hình luân canh tôm – lúa được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế ổn định ở huyện Thới Bình.
Tại Hội thảo, gần 200 nông dân đến từ các địa phương sản xuất tôm – lúa trên địa bàn huyện Thới Bình đã được nghe các chuyên gia tư vấn về lợi ích của mô hình sản xuất luân canh lúa – tôm; được nghe các bài báo cáo, tham luận của các đại biểu là những nông dân có nhiều năm thực hiện mô hình này. Từ đó, đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong thực tế sản xuất.
Các cán bộ của Trung tâm hướng dẫn thực tế về quy trình sản xuất như: Kỹ thuật trồng lúa trên đất nuôi tôm; quy trình nuôi tôm trên ruộng lúa; kết hợp nuôi tôm càng xanh và các loại cua, cá khác trên cánh đồng lúa – tôm…
Trao đổi tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Khoái, một nông dân ở ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình cho biết, được sự hướng dẫn về kỹ thuật của ngành chức năng về sản xuất luân canh tôm – lúa, ông đã mạnh dạn cải tạo 3ha đất nuôi tôm của gia đình sang mô hình tôm – lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Ông áp dụng mô hình nuôi tôm sú, trồng lúa một vụ/năm và kết hợp nuôi tôm càng xanh… Chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng/ha, đến khi thu hoạch, gia đình ông có lãi khoảng 100 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, nhiều phát biểu tại hội thảo cũng cho thấy mô hình sản xuất luân canh tôm – lúa là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Tuy nhiên, hiện nay bà con nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong áp dụng mô hình này, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do chất lượng tôm giống, lúa giống chưa thực sự đảm bảo; đầu ra và giá cả thị trường chưa ổn định nên bà con vẫn chưa yên tâm thực hiện mô hình này.
Để mô hình đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn, nhân rộng trong quần chúng nhân dân, nhiều nông dân đề nghị ngành chức năng cần có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở các đại lý kinh doanh giống trên lĩnh vực nông nghiệp về đầu tư cây, con giống cần đảm bảo chất lượng; ngành Khuyến nông – Khuyến ngư cần mở thêm nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, phòng trừ dịch bệnh… Đặc biệt, phải tạo mọi điều kiện cho bà con vùng quy hoạch được tiếp cận các mô hình trình diễn, để bà con hiểu và nắm bắt rõ hơn về mô hình sản xuất luân canh lúa – tôm.
Thực tế cho thấy, trồng lúa trên đất nuôi tôm là biện pháp cải tạo môi trường hiệu quả, là mô hình được ngành chức năng khuyến khích nhiều năm qua vì mức độ bền vững của nó. Thông qua kết quả các mô hình trình diễn luân canh lúa – tôm ở huyện Thới Bình sẽ là tiền đề để ngành Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh nhân rộng đề án. Đồng thời cũng là điều kiện để bà con nông dân vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Theo Báo Ảnh Đất Mũi ,