Ngày 7/10/2014, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu xây dựng chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng trong nuôi tròng thủy sản tại Hà Nội.
Ngày 24/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Theo đó, tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng. Tại nghị định này, Chính phủ đã quy định 5 loại DVMTR, trong đó có 3 loại dịch vụ được Chính phủ quy định chi tiết hình thức, đối tượng và mức chi trả để thực hiện. Còn 2 loại, Chính phủ giao cho Bộ NN và PTNT chủ trì xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tại hội thảo này, TS.Nguyễn Chí Thành – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước (FORWET) đã trình bày đề án thí điểm chi trả DVMTR về “cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản”. Đây là 1 trong 2 loại DVMTR mà Bộ NN và PTNT được giao nghiên cứu, triển khai thí điểm tại 5 địa phương là: Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định); Vườn Quốc gia mũi Cà Mau, Rừng Nhưng Miên (Cà Mau); Rừng phòng hộ Cần Giờ (Tp.HCM); Rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng và Khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú (Bến Tre) để tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thực hiện sau năm 2015.
Sau khi chính sách này được phê duyệt, ước tính hơn 20 tỉnh ven biển sẽ thực hiện chi trả DVMTR, góp phần bảo vệ 129.924 ha rừng ngập mặn, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước ven biển. Khoảng 11.000 hộ dân tham gia thực hiện chi trả DVMTR được nhận tiền DVMTR để cải thiện đời sống. Nếu 100.000 ha rừng ngập mặn được khoán cho các hộ dân bảo vệ, họ tự đầu tư nuôi tôm sú dưới tán rừng sẽ được năng suất thu hoạch tôm sú 200kg/ha/năm và giá bán khoảng 80.000 đồng/kg. Tổng số tiền thu được khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Tại hội thảo, TS.Nguyễn Thị Bích Thủy – đại diện dự án khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải (MAM), thí điểm chi trả DVMTR tại rừng Nhưng Miên (Cà Mau).
Năm 2013, dự án đã hỗ trợ 741 hộ nuôi tôm rừng Nhưng Miên được Tổ chức IMO, Naturland chứng nhận tôm sinh thái. Hiện dự án cũng đang hỗ trợ cho 1.300 hộ dân được đào tạo kỹ thuật nuôi tôm rừng, tiêu chuẩn sinh thái, trồng rừng, có 35 tổ nuôi tôm sinh thái được thành lập…
Đồng thời, dự án cũng ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy Hải sản Minh Phú (MINH PHU SEAFOOD COR) về việc hỗ trợ tập huấn ICS cho công ty. DN cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm tôm sinh thái của các hộ nuôi tôm rừng với giá mua cao hơn giá thị trường 10% và trả chi phí quản lý rừng cho BQL rừng Nhưng Miên.
Theo TS.Thủy, đây là mô hình thi điểm chi trả DVMTR hình thức trực tiếp kết hợp giữa khuyến khích kinh tế và sự giám sát ban ngoài của các tổ chức chứng nhận quốc tế nên việc chấp hành nuôi tôm sạch, bảo vệ môi trường rừng cao. Tuy nhiên, cho tới nay, mới chỉ có 3/36 DN XK tôm tại Cà Mau tiếp cận mô hình này.
Theo VASEP, 14/10/2014 ,