Cũng là nuôi cá trắm cỏ lồng bè trên lòng hồ Hòa Bình, nhưng dự án do T.Ư Hội NDVN triển khai ở xã Thái Thịnh (TP.Hòa Bình) khiến người dân yên tâm hơn bởi đàn cá được phòng, chống dịch bệnh chu đáo.
Bớt lo cá bị dịch bệnh
Ngồi trên thuyền lướt trên lòng hồ Thủy điện Hòa Bình ra khu nuôi cá lồng, ông Nguyễn Văn Nghĩa-Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho biết, người dân xã Thái Thịnh đã nuôi cá trắm cỏ lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Hòa Bình hơn 20 năm. Cũng từng ấy năm, bà con luôn lo lắng về bệnh dịch trên đàn cá. Không ít thì nhiều, năm nào cũng xảy ra dịch bệnh trên đàn cá nuôi. Chính vì chưa có phương pháp phòng, trừ dịch bệnh nên có năm nhiều hộ bỏ lồng không. Hơn nữa, trước đây bà con thường nuôi theo phương thức truyền thống, ngoài rau, cỏ, lá chuối, lá sắn, không cho ăn thêm thức ăn khác. Tháng 3.2014, T.Ư Hội NDVN khảo sát và lựa chọn 4 hộ ND xã Thái Thịnh có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, lao động, vốn đối ứng để thực hiện dự án nuôi cá trắm cỏ thương phẩm trong lồng trên lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Anh Phạm Văn Đức- Chủ nhiệm dự án cho biết: “Khác với cách bà con nuôi cá lồng truyền thống, cá dự án cho ăn thức ăn viên và ăn thêm viên tỏi để tăng sức đề kháng…”.
Chính vì phương thức nuôi khác với lối nuôi truyền thống nên các hộ rất hào hứng. Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông vận (T.Ư Hội NDVN) và chủ nhiệm dự án phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 70 lượt hộ nuôi cá lồng ở xã Thái Thịnh.
Phát triển bền vững
Tuy chưa tổng kết, nhưng qua đánh giá sơ bộ, dự án nuôi cá trắm cỏ thương phẩm do T.Ư Hội thực hiện trong năm 2014 trên địa bàn xã Thái Thịnh sẽ góp phần đưa nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Hòa Bình theo hướng bền vững.
Bà Nguyễn Thị Chích, xóm Vôi chia sẻ: “Đầu tháng 4.2014 dự án cấp cá giống, mỗi con cá trắm cỏ giống chỉ tầm 1,5 lạng, nhưng đến nay, đàn cá nhà tôi đều đều mỗi con nặng 1,5kg, nhiều con tới 2kg”.
Khu lồng nuôi cá của gia đình chị Nguyễn Thị Nga kế bên khu lồng của hộ bà Chích. Bê chậu thức ăn viên ra, mở cửa lồng, chị Nga vãi thức ăn xuống, trong tích tắc cá trong lồng đã quẫy nước oàm oạp đớp mồi. “Nhìn cá ăn, nhiều người bảo chả khác gì cảnh ND trong ĐBSCL cho cá tra ăn. Nhiều hộ nuôi cá lồng trong và ngoài xã kéo đến tham quan, hỏi thăm kinh nghiệm, kiến thức nuôi cá. Với cái đà này, đến tháng 10 tổng kết dự án, trọng lượng cá phải đạt bình quân hơn 3kg/con” – chị Nga phấn khởi nói.
Yêu cầu kỹ thuật của dự án là tỷ lệ cá sống phải đạt ít nhất 85%. Tỷ lệ này có 2 hộ đạt được là gia đình bà Chích, bà Nga, còn hộ ông Trường, ông Đông ở xóm Bích tỷ lệ cá nuôi sống đạt 82%. Chị Nga lý giải: “Cá đưa từ trại giống về lòng hồ chưa quen nước nên mới bị chết. Cán bộ kỹ thuật của dự án đã kịp thời tư vấn, hướng dẫn chúng tôi xử lý kịp thời nên tỷ lệ cá nuôi sống vẫn đảm bảo…”.
Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá lồng, theo dõi, chỉ đạo việc nuôi cá lồng trên lòng hồ, ông Nghĩa khẳng định: “Bình thường, tỷ lệ cá nuôi sống đạt 60% bà con đã yên tâm có lãi rồi. Cá dự án tăng trưởng tốt hơn cá bà con nuôi theo phương thức truyền thống… Điều bà con yên tâm, tin tưởng nhất là đến thời điểm này cá dự án vẫn khỏe mạnh, chưa thấy xuất hiện dịch bệnh…”.
Dự án cấp không thu tiền 3.000 cá trắm cỏ giống đúng tiêu chuẩn; cung ứng một phần thức ăn viên, các loại thuốc thú y, chế phẩm phòng dịch bệnh cho 4 hộ tham gia mô hình…
Theo Dan Viet