Trong ngành thủy sản, nuôi tôm nước lợ được coi là lĩnh vực mũi nhọn. Tuy nhiên, sự phát triển của con tôm vẫn thiếu bền vững, chủ yếu theo chiều rộng, chưa chú trọng chiều sâu. Ngành tôm cần sự thay đổi lớn bằng việc thay đổi tư duy.
Nhiều nan giải
Diện tích nuôi tôm nước lợ tại ĐBSCL chiếm gần 91% diện tích của cả nước với gần 596.000 ha; sản lượng đạt 431.570 tấn. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến tôm hiện nay chỉ hoạt động 60 – 70% công suất thiết kế do thiếu nguyên liệu. Để giải quyết bài toán này, doanh nghiệp phải nhập khẩu để bù đắp.
Thiếu nguyên liệu chế biến, nhưng người nuôi vẫn thường xuyên bị thương lái ép giá. Ngay trong thời gian tôm mất mùa mà giá vẫn rớt khiến người nuôi tôm rơi vào cảnh nợ nần, trong khi vay vốn tín dụng còn khó khăn, lãi suất cao. Bảo hiểm nuôi tôm đã được triển khai thí điểm, nhưng quá trình thực hiện còn vướng mắc, thủ tục chi trả bồi thường còn chậm.
Thị trường xuất khẩu chưa được khai thác tốt, thiếu định hướng lâu dài. Chúng ta vẫn phụ thuộc quá lớn vào một thị trường – Trung Quốc. Theo VASEP, tôm được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, hiện chiếm trên 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, việc dùng chiêu ép giá, “xù” hợp đồng ở thị trường này thường xuyên diễn ra.
Cơ cấu sản phẩm chế biến chưa hợp lý, xuất khẩu tôm chủ yếu ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng thấp. Sản phẩm chất lượng chưa cao, thiếu tính cạnh tranh, giá thường thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực 5 -10%.
Tôm là đối tượng nuôi chủ lực, song quy hoạch phát triển chưa theo kịp sản xuất, việc thực hiện theo quy hoạch chưa được coi trọng. Việc phát triển ồ ạt nuôi tôm hiện nay đang phá vỡ quy hoạch, do người dân đào ao chuyển trồng lúa sang nuôi tôm, phá dừa đào ao nuôi tôm, dẫn nước mặn vào vùng trồng lúa để nuôi tôm… Bên cạnh đó, việc quản lý tôm giống, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, thức ăn… còn lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức. Những hạn chế này kìm hãm sự phát triển ngành tôm nói riêng, thủy sản nói chung.
Cần thay đổi
Vấn đề đặt ra ở đây là sự tự chủ của ngành tôm. Trước hết, cần phải thay đổi tư duy, đầu tư nghiêm túc vào nuôi trồng, chế biến, tổ chức lại việc xuất khẩu. Đây thực chất là lối tư duy liên kết phát triển theo chuỗi sản xuất từ con giống – nuôi – xuất khẩu, hợp tác bao tiêu đầu ra cho nông dân và tìm nguyên liệu nhập khẩu với giá hợp lý. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, với việc sản xuất theo chuỗi, người nuôi tôm trong nước chủ động và yên tâm hơn trong sản xuất; doanh nghiệp có nguồn cung nguyên liệu ổn định, chất lượng.
Những năm qua, chuỗi sản xuất tôm đã được triển khai tại nhiều tỉnh nuôi tôm trọng điểm, trong đó có Cà Mau. Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất giống, chế biến tôm xuất khẩu đã tổ chức nhiều hội thảo ký kết giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân trong quá trình nuôi, bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, việc hợp tác này còn lỏng lẻo, nguyên nhân xuất phát từ cả hai bên do hợp đồng chưa rõ ràng, không có sự chắc chắn, thiếu tính thống nhất và lật kèo…
Cùng đó, nhà quản lý cần kiểm soát chặt chẽ hơn các yếu tố đầu vào, chất lượng tôm giống… Đồng thời phải có dự báo, định hướng giúp người nuôi tôm, doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng phát triển, nhu cầu thị trường.
Bắt đầu từ đâu?
Hiện nay với ngành tôm, ngoài Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản, chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu mặt hàng chủ lực này.Tổng cục Thủy sản đã dự thảo đề án Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều vấn đề về quản lý như nêu trong Dự thảo chưa phù hợp.
Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp chế biến tôm phải có vùng nguyên liệu tối thiểu 10% công suất, phải ký hợp đồng mua tôm nguyên liệu có sự chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP thì việc làm này vô tình làm khó cho doanh nghiệp. Theo ông Hòe, khác với cá tra, tôm chưa hình thành vùng nguyên liệu theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi hay doanh nghiệp tự nuôi, vì diện tích nuôi tôm lớn. Trong đó, chủ yếu nuôi quảng canh, lại phân bố trên diện tích rộng nên rất khó cho doanh nghiệp khi xây dựng vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp mua trực tiếp từ nông dân nuôi tôm không nhiều, chủ yếu phải qua đại lý, thương lái, do không đủ nhân lực.
Trong xu thế hội nhập, các nước nhập khẩu thủy sản thường đưa ra yêu cầu cao về tiêu chí an toàn thực phẩm, như một rào cản để bảo hộ ngành thủy sản nước họ, thì việc tôm Việt Nam được nuôi theo tiêu chuẩn nào đó là điều nên làm. Tuy nhiên, người nuôi tôm áp dụng theo VietGAP nhưng doanh nghiệp lại cần tôm nuôi theo GlobalGAP, BAP, bởi yêu cầu phía nhập khẩu. Và để các nhà nhập khẩu chấp nhận tiêu chuẩn VietGAP ngang bằng với GlobalGAP, BAP… không phải dễ.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: Khó khăn trong sản xuất tôm theo chuỗi là ngành chức năng chưa thực sự vào cuộc. Thêm vào đó, kinh phí để đầu tư vùng nuôi hoàn chỉnh (cơ sở hạ tầng, điện…) rất lớn, cần sự chung tay của các ban ngành từ trung ương đến địa phương.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 14/10/2014 ,