Là loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, đang có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn. Đó là những gì người ta thường hay nói về một trong những loài cá quý hiếm của hệ thống sông Hồng – cá chiên (Bagarius).
Cá chiên có đặc điểm là đầu dẹp bằng, phía trước thân thô lớn và dẹp bằng, phía sau tròn. Miệng cá rộng, hình cung, răng nhọn, hình dùi. Cá chiên lúc còn nhỏ ăn côn trùng sống dưới nước, khi lớn lên thức ăn chủ yếu là cá. Cá chiên có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Ba năm đầu cá chiên đực lớn nhanh hơn, sau đó cá cái lại lớn nhanh hơn. Mùa vụ sinh sản của cá chiên vào mùa lũ, khi cá còn non có ít sự sai khác (khó phân biệt) giữa cá đực và cá cái. Khi cá thành thục, lỗ sinh dục của cá cái hình ovan có rãnh dọc ở giữa; lỗ sinh dục của cá đực dài và nhọn, không có rãnh.
Những dòng sông trên thượng nguồn của hệ thống sông Hồng thường có đặc điểm là sông có độ dốc lớn, dòng chảy xiết, nhiều dải đá ngầm. Môi trường nước nơi đây thay đổi theo mùa và khắc nghiệt: mùa mưa nước đục phù sa, mùa khô thì nước trong xanh và lạnh lẽo. Chỉ có những loài cá có sức khỏe, khả năng chống chịu tốt như cá chiên mới có thể tồn tại và sinh trưởng ở nơi đây. Chính vì thế, thịt cá chiên thường dai, chắc và thơm ngon, mùi vị không “đụng hàng” với bất kỳ loài cá nào. Người ta săn tìm cá chiên bất kể ngày đêm, nguy hiểm rình rập cũng chỉ vì giá trị của nó. Cũng giống như số phận các loài cá quý hiếm khác như cá lăng, cá rầm xanh, anh vũ, cá bỗng, cá chiên trong tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao, cần được bảo vệ.
Một chủ quán đặc sản cá sông ở TP Việt Trì (Phú Thọ) cho biết, cá chiên tự nhiên mặc dù giá cao nhưng nhiều khi cũng không có để mà mua, mặc dù ông chủ này nắm trong tay khá nhiều “tay săn cá” lâu năm. Thậm chí, nhiều người trước đây từng săn bắt loài cá này cũng đã chuyển sang nghề khác hoặc nuôi cá lồng trên sông đã cho thấy rõ nhất sự cạn kiệt của cá chiên. Với những người chuyên săn bắt cá chiên và nhiều loài cá quý thì cá chiên trong tự nhiên ngày càng khan hiếm, có chuyến đi săn phải về tay trắng hoặc chỉ có thể bắt được những con cá nhỏ.
Cá chiên khá dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là tép, cá tạp. Đây là nguồn thức ăn khá sẵn tại nhiều địa phương. Thực tế từ nhiều mô hình cho thấy, mỗi lồng nuôi thả từ 100 – 150 con giống, sau hơn một năm sẽ đạt sản lượng từ 180 – 250 kg/lồng (khoảng 1,3 – 1,7 kg/con). Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 250.000 – 350.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng mang lại một khoản lợi nhuận không nhỏ cho người nuôi.
Để bảo vệ các loài cá quý trước nguy cơ cạn kiệt, nhiều địa phương đã nhân giống thành công hầu hết các loài cá giống quý hiếm trong đó có cá chiên như Tuyên Quang, Yên Bái… Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi cá chiên trong lồng trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện, đã mang lại những kết quả tốt, mở ra hướng mới phát triển kinh tế địa phương, góp phần bảo vệ cá chiên trong tự nhiên.
Từ năm 2008 đến 2010, Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống cá chiên, Bargarius rutilus (Ng & Kottelat 2000). Sau 3 năm nghiên cứu, đề tài đã bước đầu xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất giống cá chiên; chủ động được nguồn giống phục vụ cho nghề nuôi thương phẩm; giảm tình trạng khai thác cá chiên trong tự nhiên.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 10/11/2014 ,