Với mục tiêu đưa nhanh TBKT vào SX, giúp dân xóa đói giảm nghèo, Trạm Khuyến nông huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã tích cực xây dựng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả.
Thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn, hội thảo đầu bờ, dạy nghề… nông dân thấy việc nhân nhanh mô hình là rất cần thiết.
Trạm trưởng Trạm KN huyện Quỳ Châu, Sầm Văn Thái bảo: “Quỳ Châu là huyện miền núi cao, đất tự nhiên rộng, nhưng chủ yếu là núi đồi cao. Phần đất đai canh tác đã ít, lại phân tán một cách manh mún, tập quán SX của đồng bào còn mang nặng tính truyền thống, lạc hậu nên công tác tuyên truyền chuyển giao TBKT cho họ áp dụng vào SX là việc làm không dễ.
Người miền núi muốn làm theo cái hay, cái mới thì việc đầu tiên là họ phải thấy được tính hiệu quả cụ thể. Như vậy nhiệm vụ trọng tâm của trạm là tích cực xây dựng các mô hình”.
Về cây lúa nước, trước đây bà con vẫn chỉ duy trì các nguồn giống bản địa, cách thức canh tác theo nếp cũ. Để bà con xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, có cái nhìn mới, trạm đã xây dựng mô hình SX lúa lai Kinh Sở Ưu 1588 ở xã Châu Hạnh, Châu Tiến, Châu Hội; SX lúa lai TH3-5, CT 16 tại xã Châu Thuận.
Kết quả các mô hình lúa cho năng suất từ 65 tạ/ha trở lên, trong khi đó các giống truyền thống của bà con đang làm chỉ 40 – 50 tạ/ha. Chính vì thấy được hiệu quả và sau khi tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn đầu bờ nên đến nay nông dân trong toàn huyện đã thi đua nhau nhân rộng mô hình.
Mô hình cây rễ hương lúc đầu triển khai tại thị trấn Tân Lạc, nay đã có 31 hộ ở xã Châu Tiến học tập và nhân rộng thành vùng hàng hóa, với năng suất đạt được 7,5 tấn rễ/ha. Đây là nguồn nguyên liệu để Qùy Châu SX hương trầm.
Về chăn nuôi, ngoài các mô hình đã được nhân rộng trong dân như phát triển giống vịt bầu bản địa, nuôi lợn cỏ, gà đồi và nuôi nhím, mới đây trạm đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá trong ruộng lúa gần 1 ha ở bản Luồng và bản Xăng 2, xã Châu Bính. Đây là mô hình mới lạ tại địa phương miền núi, nên cán bộ của trạm phải theo dõi rất sát sao.
Trước hết, ruộng chọn nuôi cá phải có điều kiện điều tiết nước hợp lý. Khi làm đất, ruộng phải tháo hết nước rồi bón 10 – 12 kg vôi + 40 – 50 kg phân chuồng đã hoai/100 m2. Lúa cấy ở mô hình phải lựa chọn giống lúa cứng cây.
Xung quanh bờ ruộng phải có mương nước tập trung, độ sâu cỡ 70 cm – 1 m, rộng 1,5 m và phải xẻ rãnh có diện tích 70 x 70 cm để cá dễ dàng bơi lội lên ruộng lúa. Tại 2 địa điểm xây dựng mô hình trạm đã thả 95 kg cá (giống trôi, mè, chép) ở giai đoạn lúa đẻ nhánh.
Kết quả tại hội thảo đầu bờ, mô hình đã cho thu hoạch 5,16 tạ cá/ha. Ông Hà Vĩnh Thanh ở bản Luồng cho biết: “Nhà tôi được Trạm KN huyện chọn làm mô hình nuôi cá trong ruộng chỉ có 3 tháng, khi thu hoạch lúa thì lượng cá cũng thu được 138 kg. Sau khi trừ chi phí đã thu lời được hơn 3 triệu đồng từ cá, như vậy là rất phấn khởi”.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Qùy Châu, ông Lô Thanh Sơn phát biểu và khuyến cáo nông dân tại cuộc hội thảo đầu bờ về mô hình này: “Nuôi cá trong ruộng đã cho năng suất lúa cao hơn các ruộng khác, bởi cá tìm thức ăn trong ruộng đã làm sục bùn, lại săn mồi là các loại côn trùng, sâu hại lúa, phân của cá lại tăng thêm nguồn dinh dưỡng cho đất.
Như vậy mô hình nuôi cá xen trong lúa đã bớt được công lao động, hạn chế tối đa được lượng bón thuốc BVTV và cho thu lời gấp 2 lần so với những ruộng không thả cá”.
Trạm trưởng Trạm KN Qùy Châu còn cho biết: Sau khi xây dựng các mô hình, ngoài việc tổ chức hội thảo đầu bờ để nông dân học tập, trạm còn mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cây màu trên đất dốc, phát triển cây ngô vụ đông, trồng thanh long xen nghệ, trồng mía cao sản, sạch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, trạm phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm BVTV huyện triển khai được 74 lớp tập huấn với gần 5.000 lượt hộ nông dân tham gia. Đồng thời mở các lớp dạy nghề chăn nuôi dê ở xã Châu Phong, nuôi lợn ở xã Châu Tiến và nuôi gà tại xã Châu Bính, Châu Hội.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14/10/2014 ,