Thời gian qua, phong trào nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Ðầm Dơi (Cà Mau) không ngừng được mở rộng. Nếu như năm 2010, toàn huyện chỉ có khoảng 1.000 ha, thì tính đến cuối tháng 6/2015, diện tích đã nâng lên hơn 2.880 ha, năng suất bình quân đạt từ 5 – 7 tấn/ha/vụ.
Tuy có bước phát triển, nhưng thời gian gần đây, người nuôi tôm công nghiệp ở huyện Ðầm Dơi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do giá cả thị trường tôm thương phẩm không ổn định, có lúc giảm mạnh; giá thuốc, thức ăn cho tôm tăng cao. Mặt khác, người nuôi chậm cải tiến cách nuôi, vẫn còn áp dụng quy trình kỹ thuật cũ cộng với tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến ngày càng phức tạp, chưa có biện pháp khắc phục. Vì thế, trên địa bàn huyện đã có không ít hộ nuôi phải thua lỗ thời gian dài.Trước tình hình môi trường biến động, nhiều nông dân đã có nhiều cách làm sáng tạo trong nuôi tôm công nghiệp và áp dụng thành công. Trong đó phải kể đến ông Diệp Văn Vũ, ở ấp Nhà Cũ, xã Quách Phẩm Bắc. Với diện tích 3 ha, ông quy hoạch 6 ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình khép kín bằng nhà lưới. Năm 2014, tổng sản lượng đạt 30 tấn/vụ. Cũng theo quy trình này, ông tiếp tục đầu tư cải tạo 4 ao, diện tích 1,2 ha tại ấp Chà Là, xã Trần Phán, thu hoạch 15 tấn tôm/vụ, sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập trong năm này ông còn lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.
Ðể có được kết quả như trên, trước hết ông thiết kế ao dèo khoảng 1.000m2, lót bạt đáy chống rò rỉ, phía trên có lưới che kín, chống sự xâm nhập của các loài động vật hay côn trùng, đồng thời giữ nhiệt độ trong ao ổn định. Con giống phải có chất lượng, khi mua về thả vào ao dèo, mật độ 600 – 800 con/m2, khoảng từ 25 – 30 ngày tuổi mới cho ra ao lớn.
Ao nuôi cũng phải thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật. Trải bạt từ đáy lên cao hơn bờ ao khoảng 50 cm để ngăn không cho cua, còng hay các con vật gây hại vào. Phía trên che lưới rào, ngăn chim cò xâm nhập. Việc làm này giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan gián tiếp từ các loài chim và các con vật khác từ bên ngoài. Ðặc biệt là trong ao dèo cũng như ao nuôi đều có hệ thống ô-xy đáy. Bởi vì, trong mùa mưa mực nước cao mà chạy quạt thì ô-xy không tới đáy ao được, không hoà tan hết trong ao nuôi nên buộc phải có thêm ô-xy đáy thì mới bảo đảm cho lượng tôm nuôi mật độ cao.
Ông Vũ cho biết, nuôi theo quy trình này mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có tốn kém, 1 ao dèo 1.000m2 khép kín khoảng 70 triệu đồng, nhưng được cái lợi là các khâu quản lý, chăm sóc, theo dõi tôm và chi phí thuốc, hoá chất, thức ăn giai đoạn này tốn kém ít, đồng thời còn chủ động kiểm soát được môi trường, nguồn nước. Nếu như sau 25 – 30 ngày tuổi thấy chất lượng tôm giống phát triển không tốt thì có thể huỷ bỏ tại ao dèo, chi phí không nhiều, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường của ao nuôi. Và thành công đạt khoảng 90% so với nuôi bình thường. Còn sản lượng thì tuỳ theo thả với mật độ thả dày – thưa. Ông thả 60 con/m2 sau 3 tháng tôm đạt kích cỡ 50 con/kg.
Nếu như ông Vũ nuôi tôm khép kín bằng nhà lưới, thì ở ấp Tân Phú, xã Tân Trung có ông Nguyễn Văn Út, nuôi tôm công nghiệp theo quy trình chế phẩm sinh học, hạn chế thay nước. Cũng với diện tích 3 ha, ông cải tạo thành 10 ao nuôi, trong đó có 3 ao lắng khoảng 1,3 ha. Trong quá trình nuôi, ông không thay nước, lượng nước bổ sung cho ao nuôi lớn đều được thông qua khâu xử lý nước đúng kỹ thuật từ ao lắng. Thực hiện quy trình này, ông đã có 8 vụ nuôi thành công, năng suất bình quân hơn 15 tấn/năm, trừ chi phí ông còn lời hơn 300 triệu đồng/năm.
Cùng với 2 mô hình trên, thời gian gần đây, người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Ðầm Dơi còn áp dụng thành công việc nuôi xen ghép cá rô phi với tôm sú và thẻ chân trắng. Tiên phong cho mô hình này là ông Nguyễn Anh Dũng, ở ấp Tân Ðức, xã Tân Ðức, 6 ao nuôi của ông 5 vụ nuôi liên tiếp đều đạt hiệu quả cao, trừ chi phí còn lãi 2 tỷ đồng. Riêng số lượng cá phi trong ao nuôi cũng thu được hơn 1,5 tấn, ông có thu nhập thêm hơn 20 triệu đồng.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi Nguyễn Quốc Thống khẳng định, việc nuôi xen ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm công nghiệp, cái lợi trước tiên là giúp cân bằng sinh thái; thứ hai nữa là con cá rô phi có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp đáy ao và nguồn nước tốt hơn. Mặt khác, cá rô phi còn ăn mùn bã hữu cơ trong ao, từ đó giúp giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi. Ngoài ra, cá còn có tác dụng tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh và ăn cả xác tôm chết, từ đó làm hạn chế sự lây lan mầm bệnh trong ao nuôi.
Theo Báo Cà Mau, 30/07/2015 ,
I read your article carefully, it helped me a lot, I hope to see more related articles in the future. thanks for sharing.
I have read your article carefully and I agree with you very much. So, do you allow me to do this? I want to share your article link to my website: gate.io
Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?