Nuôi cá sấu thương phẩm: Mô hình mới, kỳ vọng cho thu nhập cao

Đầu năm 2014, anh Võ Đình Tiến đầu tư gần 4 tỉ đồng xây dựng trang trại nuôi cá sấu thương phẩm tại xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu. Mô hình này tuy còn khá mới mẻ đối với người dân Phú Yên nhưng được kỳ vọng thu lãi tiền tỉ.

Theo anh Võ Đình Tiến, chủ trang trại cá sấu, nhờ thường xuyên làm ăn với các bạn ở những tỉnh như Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, thấy mô hình nuôi cá sấu rất phổ biến và mạng lại hiệu quả cao, nên anh thử nuôi tại Phú Yên. Để nuôi thử nghiệm, anh xây dựng 8 hồ nuôi, mỗi hồ hơn 150m2 và mua 950 con cá sấu giống. Sau vài tháng, cá sấu phát triển tốt, anh thả thêm 1.000 con giống. Để tạo môi trường cho cá sấu phát triển, trang trại được trồng cây xanh, tạo bóng mát; ở giữa là hồ nước lớn để cá sâu tắm và nghỉ ngơi. Trên bờ có sân xi măng để cá sấu ăn và phơi nắng. Xung quanh trang trại có thiết kế hệ thống thoát nước để thay và thoát nước khi có mưa lớn. Mỗi chuồng cá sấu đều có tường bê tông cao hơn 1m; rào lưới sắt cao hơn 2m để không cho cá sấu thoát ra ngoài. Cá sấu giống được nhập từ Campuchia với giá 500.000 đến 600.000 đồng/con. Tổng kinh phí đầu tư chuồng trại, mua con giống gần 4 tỉ đồng.

Anh Võ Đình Tiến chia sẻ, cá sấu là loại dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc. Đối với cá sấu con (dưới 8 tháng tuổi) sức đề kháng yếu nên phải chăm sóc kỹ; đến khi cá sấu trên 8 tháng tuổi thì việc chăm sóc dễ dàng hơn. Hàng ngày, người nuôi chỉ vào cho ăn 1 lần. Mỗi tháng người nuôi vào làm vệ sinh, thay nước trong hồ. Bình quân mỗi ngày số cá sấu chỉ ăn khoảng 1 đến 1,2 tạ thức ăn, là các loại cá tạp có sẵn tại địa phương. Vào mùa đông, cá ăn ít nên tần suất cho ăn và lượng thức ăn chỉ phân nửa so với các mùa khác. Cá phát triển tốt nhất là vào tháng 4, tháng 5, vì thời điểm này thời tiết nắng ấm. Tuy nhiên, đối với khí hậu ở Phú Yên, mùa hè trời nắng gắt; mùa đông mưa lạnh nên không thuận lợi lắm cho cá sấu phát triển. Do vậy, người nuôi phải tạo bóng mát và chú ý đến sức khỏe của đàn cá sấu khi trời nắng gắt (tháng 7, tháng 8 âm lịch).

Hiện nay, cá sấu nuôi chủ yếu để lấy da. Cá sấu thương phẩm có 2 hình thức bán, bán nguyên con để xuất đi nước ngoài và bán cho các thương lái trong nước xẻ thịt, lấy da. Theo kinh nghiệm, khi cá sấu được 17 đến 18 tháng, đạt trọng lượng 25 đến 30kg là có thể bán. Cá sấu thịt có giá từ 240.000 đến 250.000 đồng/kg. Đến nay, đàn cá sấu của anh Tiến đã được gần 1 năm tuổi; một số con đạt trọng lượng khoảng 20kg, giữa năm 2015 là có thể bán. “Sau đợt nuôi thử nghiệm này, nếu mang lại hiệu quả cao thì tôi sẽ đầu tư mở rộng trang trại để tăng đàn nuôi”, ông chủ trại nuôi cá sấu này cho biết thêm.

Ông Trần Thanh Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, cho biết: Mô hình nuôi cá sấu của anh Tiến là mô hình đầu tiên của xã nên được các cấp, ngành chức năng quan tâm, kiểm tra. Cá sấu là động vật hung dữ nên việc đảm bảo an toàn cho người nuôi và cả những hộ dân xung quanh luôn được địa phương quan tâm, nhắc nhở chủ cơ sở. Trước mắt, hộ chăn nuôi này đã đầu tư trang trại kỹ lưỡng với tường rào, lưới bảo vệ…

Theo NGÔ XUÂN – NGỌC CHUNG, Báo Phú Yên, 03/02/2015

3 bình luận trong “Nuôi cá sấu thương phẩm: Mô hình mới, kỳ vọng cho thu nhập cao”

Ý kiến của bạn