Để nâng cao thu nhập, tiết kiệm chi phí, cải thiện độ phì nhiêu của đất, thời gian qua bà con nông dân ở ĐBSCL đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá trên ruộng mang lại hiệu quả hết sức khả quan.
Lãi gấp 5 lần lúa vụ 3
Tại TP.Cần Thơ các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh là nơi có mô hình nuôi cá không cần thức ăn phát triển mạnh.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư TP.Cần Thơ: Năm 2014, toàn thành phố đã xuống giống được 7.649ha mặt nước. Nguyên nhân khiến ở các địa phương này phát triển mạnh mô hình nuôi cá trên ruộng, do đây là vùng trũng, nên vào mùa lũ nước các nơi đổ về ngập khắp các cánh đồng nên người dân trồng lúa vụ 3 (vụ thu đông) thường không hiệu quả, người dân đã ứng dụng mô hình nuôi cá trên ruộng lúa để tăng thu nhập mà tránh được rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Huệ ở ấp Đông Thới, xã Đông Bình (huyện Thới Lai) hiện có diện tích thả nuôi là hơn 50 công, thả khoảng 140kg cá giống (trong đó 70kg cá mè, 70kg cá chép) cho biết: “Khi nước lên chỉ việc mua cá rồi thả, nước ở mức 30 – 40cm là thích hợp nuôi, lưới thì vụ trước đã đầu tư, nguồn thức ăn của cá chủ yếu là rơm rạ, lúa chét và vi sinh vật của nước lũ. Khoảng tháng 10 âm lịch hằng năm là thu hoạch. Năm rồi, cá được giá 1ha thu được khoảng 5 -7 triệu đồng. So với làm lúa vụ 3 thì thu nhập cao hơn gấp 5 lần”.
Với cách nuôi này, người dân chỉ cần bỏ vốn mua con giống, không phải tốn chi phí mua thức ăn, trong khi đó công chăm sóc không nhiều, dịch bệnh hầu như không xảy ra mà hiệu quả vẫn cao, lại diệt được dòng đời mầm bệnh.
Có lợi cho vụ lúa kế tiếp
Bà Lê Thị Cẩm Nhung – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ, cho biết: “Diện tích thả nuôi của toàn huyện là hơn 3.700ha, trung bình 1,5ha/hộ. Với mô hình nuôi cá trên ruộng này người dân không phải tốn chi phí mua thức ăn mà cá vẫn lớn nhanh”. “Cái lợi lớn nhất của mô hình này không chỉ ở thu nhập từ nuôi cá, mà quan trọng là qua vụ cá này tạo cho đất màu mỡ và nhiều chất dinh dưỡng hơn. Có một số nguyên nhân dẫn đến nuôi cá ở vụ 3 sẽ làm đất nhiều dinh dưỡng hơn ở vụ sau. Đó là khi bơm nước vào để nuôi cá, đất có thời gian nghỉ ngơi, bồi lắng lại dinh dưỡng từ phù sa, thêm vào đó khi cá ăn thức ăn sẽ thải lại lượng phân, rất có lợi cho việc tăng phì nhiêu đất” – bà Nhung phân tích.
Cũng như ở TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang có diện tích nuôi cá trên ruộng khá lớn, hơn 4.000ha tập trung tại các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ…
Bà Lê Kim Ngọc – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang nhận định: “Nuôi cá trên ruộng giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất trong vụ đông xuân, giảm bớt mầm bệnh cho lúa do việc luân canh. Chi cục cũng khuyến cáo nông dân nên nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến (bổ sung thêm con giống, thức ăn), chọn đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, con giống đảm bảo chất lượng, thiết kế ruộng nuôi phải có bờ bao để giữ được mực nước trong ruộng; người nuôi cần quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát”.
Nuôi cá trên ruộng giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất trong vụ đông xuân, giảm bớt mầm bệnh cho lúa do việc luân canh. Bà Lê Kim Ngọc
Theo Báo Dân Việt, 20/11/2014 ,