Như thành thông lệ, cứ đến đầu tháng 8 âm lịch hằng năm, nhiều hộ dân ở Nghệ An lại tất bật cải tạo đồng ruộng để nuôi cá.
Năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Quỳnh ở xóm 5A, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên tiến hành thả 100 kg cá giống có kích cỡ từ 5 – 6 lạng/con, chủ yếu là cá chép, trôi, mè hoa. Nhờ ổn định nguồn nước, thức ăn dồi dào (rơm rạ mục, thóc rụng, sâu bọ…) nên cá phát triển nhanh, chỉ sau 2 tháng thả nuôi, ông Quỳnh đã thu hơn 300 kg cá thương phẩm/sào.
“Lợi ích của mô hình cá – lúa là hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tạo thành một hệ sinh thái khép kín, hạn chế được việc sử dụng hóa chất, phân bón độc hại, vừa tốt cho người tiêu dùng lại bảo vệ được môi trường cảnh quan”, ông Quỳnh chia sẻ.
Đánh giá về mô hình này, ông Hoàng Đức Ân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Hưng Nguyên nói: “Địa hình của huyện phần lớn là vũng sâu trũng, không phù hợp cho việc SX vụ đông. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, chúng tôi ban hành quy chế hỗ trợ 10 triệu đồng cho những hộ nuôi cá vụ 3 diện tích trên 10 ha”.
Đến nay huyện Hưng Nguyên có 450 ha nuôi cá vụ 3, tập trung chủ yếu ở các xã Hưng Lợi, Hưng Tiến, Hưng Phúc và Hưng Thịnh.
Thực hiện chỉ thị về việc dồn điền đổi thửa, đầu năm 2014 UBND thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương) đã tiến hành rà soát, quy hoạch lại vùng chuyên canh, kêu gọi bà con chuyển cấy lúa hè thu sang nuôi cá – lúa trên diện tích 44,7 ha. Mô hình dù mới nhưng thu hút được hơn 50 hộ tham gia.
Năm nay gia đình ông Đặng Văn Lý ở khối 10, thị trấn Đô Lương không có nhu cầu SX lúa hè thu nên ngay khi tiếp nhận chủ trương, ông đã nhanh tay khoanh vùng, tôn tạo lại diện tích đất được khoán để nuôi cá.
“Chỉ sau 4 tháng nuôi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mỗi sào tôi thu về từ 7 – 8 triệu đồng. Chuyển đổi sang mô hình nuôi cá không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn trực tiếp cải tạo ruộng lúa để chuẩn bị cho vụ mùa tới”, ông Lý nói.
Năm 2014, diện tích nuôi cá vụ 3 toàn tỉnh là 5.000 ha, tổng sản lượng đạt mức 4.000 tấn.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, 06/11/2014 ,