Tuy đạt mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng ngành nuôi tôm vẫn gặp nhiều thách thức; nổi cộm là tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra.
Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ thâm canh bền vững” do Trung tâm KNQG phối hợp với Sở NN-PTNT Sóc Trăng tổ chức đúng vào thời điểm bắt đầu vụ nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Nhà khoa học của các viện, trường và chuyên gia kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đã giải đáp trực tiếp nhiều câu hỏi thắc mắc của nông dân. Đặc biệt giải pháp nuôi tôm theo VietGAP nhằm hạn chế dịch bệnh thu hút sự chú ý của các đại biểu.
Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm KNQG cho biết, năm 2014 XK thủy sản nước ta đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2013, vượt 11,6% so kế hoạch, cao nhất từ trước tới nay.
Trong đó tôm đạt 4 tỷ USD/năm, tăng 25% so với năm 2013. Tuy đạt mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng ngành nuôi tôm vẫn gặp nhiều thách thức; nổi cộm là tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra.
Tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh lớn nhất vùng ĐBSCL với hơn 39.000 ha, chiếm trên 83% diện tích nuôi tôm trong tỉnh (45.000 ha). Từ năm 2012 đến nay dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Hiện đã có một số hộ vào vụ nuôi tôm sớm bị thiệt hại.
Theo ông Quách Văn Nam, GĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng, cao điểm là năm 2012 toàn tỉnh có 23.800 ha tôm bị thiệt hại, chiếm tới 70% diện tích nuôi thả. Năm 2013 diện tích thiệt hại giảm còn 13.300 ha, nhưng năm 2014 lại tăng lên 18.800 ha, chiếm 35% diện tích thả nuôi. Đến ngày 9/3/2015 toàn tỉnh vào vụ thả nuôi hơn 2.748 ha thì đã có 289 ha bị thiệt hại.
“Có thể nhận thấy do cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm còn yếu kém, cộng thêm tác động biến đổi khí hậu, môi trường, thời tiết thay đổi là những thách thức lớn. Vì vậy diễn đàn chính là cơ hội cho người nuôi tôm trao đổi với các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc”, ông Nam nói.
Tại diễn đàn, các cán bộ Khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP.HCM và ĐH Cần Thơ thông tin về một số kết quả nghiên cứu về bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi của thế giới, bệnh do vi bào tử trùng (enterocytozoon hepatopenaei) – EHP ký sinh trên gan tụy tôm; nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và chiến lược phòng bệnh; tác động của men vi sinh trong nuôi thủy sản…
Bên cạnh đó, Trung tâm KN các tỉnh trình bày kết quả một số mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả do hạn chế được dịch bệnh.
Trong phần đối thoại, nông dân nuôi tôm nêu ra hàng loạt ý kiến như: Nuôi tôm tháng nào bị dịch bệnh nhiều, vì sao? Nhiều loại men vi sinh trên thị trường làm sao phân biệt loại nào hiệu quả? Nguyên nhân tôm bệnh phân trắng? Dùng hóa chất gì để diệt khuẩn không gây hại tôm nuôi hay làm thế nào kiểm soát mầm bệnh tôm giống?…Các chuyên gia đã lần lượt giải đáp thỏa đáng những thắc mắc trên.
Trước tình hình phải đối mặt với dịch bệnh như hiện nay, cán bộ khuyến nông các tỉnh đề xuất tổ chức lại SX và liên kết DN với người nuôi…
Để khuyến khích phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm VietGAP giai đoạn 2014-2016, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt dự án Khuyến nông Trung ương, trong đó có nội dung xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP.
Trong năm 2014 kết quả mô hình triển khai trên diện tích 16 ha với 40 hộ nuôi tôm tại 13 xã tham gia. Mỗi mô hình quy mô thấp nhất 0,4 ha, cao nhất 2 ha, mật độ 80 con/m2, nuôi trong thời gian 5 tháng.
Kết quả mô hình thành công 100%, năng suất đạt trung bình 10,6 tấn/ha, tỷ lệ tôm sống đạt tới 80%, cỡ thu hoạch 53 con/kg. Lợi nhuận đạt trung bình 700 triệu đồng/ha, tăng hơn 35% so với hộ nuôi không theo VietGAP. Để chuẩn bị nhân rộng, Trung tâm KNQG tiếp tục xây dựng mô hình và tập huấn nuôi tôm VietGAP cho nhiều địa phương.
Theo ông Kim Văn Tiêu, giải pháp nuôi tôm theo VietGAP là tất yếu và ngày càng phổ biến. Đây là phương pháp tổng hợp nhằm giảm dịch bệnh, giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng tôm thương phẩm.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, 25/03/2015 ,