Cà Mau hiện là địa phương đầu tiên tại châu Á thực hiện nuôi tôm sinh thái. Kết hợp với trồng rừng ngập mặn, việc nuôi tôm có đầu vào thấp và mang lại lợi nhuận cao, bình quân đạt 48,3 triệu đồng/ha.
Đồng thời, nuôi tôm sinh thái góp phần làm giảm nạn phá rừng ngập mặn để đào vuông nuôi tôm, giảm gây tổn hại môi trường tự nhiên từ sự gia tăng mức độ nhiễm mặn…
Hiện tại, tôm sú nuôi sinh thái của Việt Nam được bán tới 10 thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Úc, Đài Loan… Riêng khu vực châu Âu, trong đó tôm nuôi sinh thái từ Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang Đức và Thụy Sĩ. Các công ty nhập khẩu của Đức phân phối lại cho các nước châu Âu khác.
Từ cuối năm 2013, các nhà bán lẻ tại EU đã điều chỉnh giá bán lẻ đối với tôm nuôi sinh thái trên cơ sở giá mua vào tăng. Người tiêu dùng thế giới tại nhiều nước (Canada, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… ) cũng đang chuyển dần sự chọn lựa sản phẩm tôm nuôi sinh thái có chứng nhận của các tổ chức quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm nuôi trồng trong điều kiện bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ trên khắp thế giới ưa thích mua sản phẩm thủy hải sản được chứng nhận từ đánh bắt hay từ nuôi trồng như một phần trong chiến lược kinh doanh gắn với trách nhiệm DN của họ. Hơn nữa, sản phẩm từ nguồn cung có nguồn gốc được chứng nhận xem như chiến lược để làm giảm căng thẳng với các tổ chức môi trường uy tín và tăng chất lượng, giá trị sản phẩm đến với khách hàng.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nêu trên, tại Việt Nam hiện có 16 công ty chế biến tôm được Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu cấp chứng nhận BAP (chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), trong đó có ba công ty của tỉnh Cà Mau.
Để tạo thuận lợi cho DN, chính quyền địa phương cũng có kế hoạch và hướng hỗ trợ phát triển kinh doanh này. Ông Nguyễn Chí Thuần, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Đầm Dơi cho biết, huyện Đầm Dơi là vùng chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngư nông lâm nghiệp từ lâu, nhiệm vụ chính là phát triển nuôi tôm gắn với khôi phục bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Hiện Đầm Dơi có 62.000 ha nuôi tôm. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích và hỗ trợ vốn, kênh dẫn nước… cho hộ nuôi tôm, nhất là các hộ nuôi tôm rừng.
Trên phạm vi cấp tỉnh, ông Lê Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, với sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt đến gần 300.000 ha, trong đó có 266.683 ha nuôi tôm, sau năm 2013 thành công tỉnh Cà Mau đã đặt ra mục tiêu tăng thêm 1.100 ha diện tích nuôi tôm thâm canh từ năm 2014, đến nay đã gần hoàn thành mục tiêu này. Tổng lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt hàng năm của tỉnh Cà Mau đạt bình quân 450 nghìn tấn, trong đó có 180 nghìn tấn tôm nguyên liệu, tương đương 140 nghìn tấn tôm thành phẩm được chế biến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Đến nay, sản phẩm tôm của cà Mau đã xuất khẩu đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng doanh thu hàng năm là 1,08 tỷ USD, chiếm 42% doanh thu về tôm của cả nước. Tỉnh Cà Mau thực hiện chủ trương sử dụng 60% diện tích để bảo vệ rừng và 40% nuôi trồng thủy sản trên hầu hết diện tích rừng ngập mặn.
Về lâu dài, việc nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau có thể sử dụng chứng nhận để khác biệt hóa trên thị trường. Bởi hiện nay tôm sinh thái mang lại lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ không ngừng tăng trưởng. Các xu hướng bảo tồn thiên nhiên, xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu trên các thị trường bán lẻ lớn đang là lợi thế lớn để tỉnh Cà Mau có thể tận dụng (về tài chính, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, người mua bền vững…) phát triển mạnh mẽ vùng nuôi tôm sinh thái, tạo ra các vùng đệm tự nhiên và bảo vệ rừng ngập mặn.
Theo Thời báo ngân hàng, 24/10/2014 ,