Đây là nội dung trong Đề án “Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” vừa được Tổng cục Thủy sản tổ chức dự thảo đóng góp ý kiến xây dựng ngày 5/9.
Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm hùm nuôi trung bình hàng năm đạt gần 1.385 tấn, chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh, đã đem lại nguồn thu trên 3.500 tỷ đồng/năm. Tôm hùm phân bố từ Quảng Bình tới Bình Thuận, nhưng tập trung ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Theo thống kê, các tỉnh hiện có khoảng 8.000 – 10.000 hộ nuôi tôm hùm, sản lượng trung bình hàng năm gần 1.385 tấn, đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện nghề nuôi tôm hùm đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quy hoạch chi tiết vùng nuôi; các khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch. Hơn nữa, ngành thủy sản chưa thể sản xuất giống nhân tạo, con giống chỉ dựa vào khai thác từ tự nhiên. Đồng thời, công nghệ nuôi tôm hùm lồng vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ. Không những vậy, thức ăn tươi sống chủ yếu là cá tạp, cua, sò nhỏ… là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên và chưa được kiểm soát, công tác phòng chống còn hạn chế…
Do vậy, việc xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” là cần thiết, làm cơ sở cho công tác quản lý, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực phát triển nghề nuôi tôm hùm vùng ven biển miền Trung, tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; góp phẩn tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 05/09/2014 ,