Tận dụng tối đa diện tích hiện có, các nông hộ trên địa bàn huyện Tiên Phước đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi ghép ếch – cá trê
Tháng 1.2014, gia đình ông Trương Văn Hương (thôn 1, xã Tiên Thọ) nuôi 5 nghìn con ếch giống trong bể xi măng được thiết kế thông thoáng trong vườn nhà. Sau 3 tháng thả nuôi, ếch phát triển tốt, gia đình bán được 8 tạ ếch thương phẩm. Với giá bán 50 nghìn đồng/kg, gia đình ông Hương thu được 40 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi được gần 30 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm, sau 3 lứa xuất bán ếch, gia đình ông Hương thu được gần 90 triệu đồng. Ông Hương cho biết: “Ếch rất dễ nuôi, ít xảy ra dịch bệnh. Chi phí chỉ từ thức ăn chứ gia đình không dùng thuốc thú y. Đôi khi chúng tôi chỉ phải bổ sung các vitamin và men tiêu hóa, tốn kém không nhiều. Khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch, ếch thương phẩm rất được giá nên lãi càng cao”. Theo ông Hương, để nuôi ếch hiệu quả rất cần am hiểu đặc tính sinh trưởng của chúng. Nhờ nắm được “tập quán” của loài ếch mà đến thời điểm này, ông Hương đã có thể tự tạo ra nguồn ếch giống dồi dào và chất lượng. Ngoài bán ếch thương phẩm, gia đình ông cũng đã bán ếch giống. Với mỗi con ếch giống bán được 1.300 đồng, mỗi năm gia đình ông Hương có nguồn thu thêm khoảng 20 triệu đồng.
Song hành với nuôi ếch, gia đình ông Hương cũng nuôi cá trê lai ở hồ chứa ngay bên cạnh. Việc nuôi ghép 2 đối tượng này mang đến cho gia đình ông lợi ích kép. Đó là tránh ô nhiễm môi trường do chất thải từ việc nuôi ếch, đồng thời tận dụng nguồn phân thải này để làm thức ăn cho cá trê lai. Mỗi năm, gia đình ông Hương bán được 10 tạ cá trê lai, thu lãi hơn 20 triệu đồng. Như vậy, thâm canh bằng hình thức nuôi ghép giữa ếch và cá trê lai đem đến cho gia đình ông Hương mỗi năm gần 130 triệu đồng. “Phải tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi cộng với tìm tòi nghiên cứu lâu năm chúng tôi mới có được sự đầu tư hiệu quả như vậy. Từ nguồn vốn tích lũy được, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi thủy sản trong thời gian đến. Việc thỏa thuận giá cả với các cơ sở thu mua thủy sản thương phẩm trong và ngoài tỉnh giúp chúng tôi ổn định được đầu ra” – ông Hương cho biết thêm.
Theo ông Đinh Công Du – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ, trong thời gian qua các nông hộ trên địa bàn đã mày mò tìm hiểu và mạnh dạn tổ chức các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả. Ngoài mô hình của gia đình ông Trương Văn Hương, có thể kể đến các mô hình nuôi ghép hoặc luân phiên nuôi cá rô phi, cá trắm cỏ, cá trê lai, cá chim vây vàng của các gia đình ông Đặng Văn Anh ở thôn 3 hay ông Nguyễn Hữu Phước ở thôn 1. “Địa phương khuyến khích nông dân mạnh dạn xây dựng các mô hình nuôi thủy sản đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Nếu tính giá trị kinh tế thu được trên một đơn vị diện tích thì các mô hình này cao hơn hẳn các mô hình khác thuộc ngành nông nghiêp, lâm nghiệp. Chúng tôi hỗ trợ các nông hộ bằng sự tinh giản các thủ tục, giúp họ dễ dàng vay vốn sản xuất cũng như liên hệ với ngành thủy sản để giúp các nông hộ trang bị kỹ thuật nuôi tốt” – ông Du nói.
Nuôi cá trong lồng bè
Đầu năm 2014, nhóm nông hộ gồm các gia đình ông Phạm Văn Hà, Trần Minh Toàn, Huỳnh Tấn Dũng (thôn 5, xã Tiên Cảnh) đầu tư nuôi cá điêu hồng trong 6 lồng bè ở hồ chứa nước Đá Vách. Ở mỗi lồng có thể tích 75m3, nhóm hộ thả nuôi 6 nghìn con cá giống. Sau 4 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%. Đến thời điểm xuất bán, cá đạt trọng lượng trung bình là 0,5kg mỗi con nên nhóm hộ bán tất cả là 15 tấn cá. Với giá bán 38 nghìn đồng/kg, nhóm hộ thu được tổng cộng là 570 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, nhóm hộ lãi được 260 triệu đồng. “Nguồn nước của hồ chứa nước Đá Vách rất sạch, là môi trường sống rất thuận lợi cho đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt. Chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp để cá phát triển tốt. Hiệu quả cao trong quá trình nuôi là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Đáng kể nhất là đến thời điểm bán cá, hầu như không có sai sót nào so với “lập trình” đặt ra” – ông Trần Minh Toàn nói.
Ngay sau khi xuất bán lứa đầu, nhóm các nông hộ lại tiếp tục thả nuôi 6 nghìn con giống cá điêu hồng tại 6 lồng nuôi. Đồng thời nhóm hộ cũng đã mở rộng sản xuất bằng cách bổ sung vào bè cá thêm 2 lồng nuôi cá trê lai. Đến thời điểm này, cá phát triển tốt, hứa hẹn vụ nuôi tiếp tục thành công. “Chúng tôi được biết cá trê lai có sức chịu đựng rất lớn. Vào thời điểm này trở đi, chúng tôi chủ động chống rét cho cá bằng cách giữ nước sâu hơn 1,5m, phủ bèo trên mặt lồng. Chúng tôi cũng đã tách nhóm cá lớn sang lồng riêng đề phòng cá tranh giành thức ăn và ăn thịt lẫn nhau. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã bổ sung lưới ngăn chắn, tránh cá thất thoát khi nguồn nước quá đầy, tràn mạnh ra ngoài” – ông Phạm Văn Hà nói.
Ông Lê Văn Phụng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, thực tế sản xuất đã khẳng định sự thành công của các mô hình nuôi thủy sản trên địa bàn. Mặc dù chỉ là kinh tế hộ có quy mô không lớn nhưng các nông hộ đã xây dựng và tổ chức được cách nuôi bài bản đúng quy trình. Còn với hồ chứa nước Đá Vách, địa phương cũng đang kiến nghị ngành thủy sản tỉnh hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật để địa phương xây dựng mô hình nuôi thủy sản mới bằng lồng bè. Nếu thành công sẽ nhân rộng, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, hình thành diện mạo nông thôn mới.
Theo Báo Quảng Nam, 21/11/2014 ,