Với chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng đầu tư nông nghiệp có trọng tâm, lấy chất lượng, giá trị, hiệu quả làm mục tiêu cho tăng trưởng thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thời gian qua, tỉnh thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, trong đó có lưu ý về việc sản xuất sạch gắn với bảo vệ môi trường bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP bước đầu đạt được một số kết quả.
Cá tra là đối tượng chủ lực trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, có diện tích áp dụng GAP lớn nhất so với các đối tượng khác của tỉnh. Đến nay, diện tích được chứng nhận và đang áp dụng các tiêu chuẩn trên 898ha, đạt 54% so với tổng diện tích nuôi cá tra. Trong đó, có hơn 406ha được cấp giấy chứng nhận, chiếm 45% so với tổng diện tích áp dụng.
Hiện tổng diện tích thả nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh là 1.088ha, đạt 108,78% so với kế hoạch năm 2014. Việc phát triển nuôi tôm càng xanh ở tỉnh đang trở thành thế mạnh sau con cá tra trong nhiều năm qua, mô hình một lúa – một tôm đã trở thành phổ biến. Trước đây, việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP chưa thực hiện đồng bộ trong các mô hình nuôi tôm càng xanh, chủ yếu thực hiện phương pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học, có sử dụng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh để nâng cao chất lượng sản phẩm. Mô hình này đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh và mang lại hiệu quả cho người nuôi. Được sự hỗ trợ của Tổng cục Thủy sản, tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh theo hướng VietGAP của Chi hội nuôi tôm càng xanh với tổng số 60 hộ/80,65ha thuộc ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh. Cùng với việc khuyến khích các hộ nuôi tôm làm quen với việc ghi chép trước khi thực hiện theo quy phạm VietGAP, huyện Tam Nông tổ chức tập huấn và phát sổ tay ghi chép nuôi tôm càng xanh theo hướng VietGAP cho 66 hộ/603ha.
Đối với cá rô phi đã được chứng nhận tiêu chuẩn ASC với 33.973m3/120 bè ở huyện Châu Thành và đang áp dụng GlobalGAP trên cá điêu hồng với 106 vèo, bè trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh.
Tuy nhiên, việc ứng dụng GAP trong nuôi trồng thủy sản cũng còn gặp nhiều khó khăn như phí tư vấn chứng nhận GAP nói chung còn cao nên người dân chưa tích cực hưởng ứng; theo Quyết định 01/2012/QĐ –TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, khi áp dụng VietGAP được nhà nước hỗ trợ kinh phí chứng nhận lần đầu nhưng người nuôi vẫn phải trả chi phí đánh giá giám sát giữa kỳ; cũng là trở ngại đến sự tham gia của người dân; một số đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chất lượng cũng như số lượng (giống tôm càng xanh và giống cá tra) và việc áp dụng GAP trong khâu sản xuất giống còn hạn chế; hạ tầng cơ sở các vùng sản xuất giống tập trung tuy có sự quan tâm đầu tư nhưng việc đầu tư còn hạn chế, chưa liên tục nên cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa hoàn thiện.
Trong định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản thời gian tới, ngành thủy sản tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường, phát triển các hình thức và phương pháp phù hợp với điều kiện sinh thái, lợi thế cụ thể từng địa phương để tạo ra sản phẩm an toàn, có tính cạnh tranh cao.
Theo Báo Đồng Tháp, 26/11/2014 ,
Một bình luận trong “Thực hiện GAP trong nuôi trồng thủy sản”